Rối loạn nhân cách không chỉ ảnh hưởng đến suy nghĩ, cảm xúc mà còn tác động mạnh mẽ đến cách một người tương tác với xã hội. Những hành vi và khuôn mẫu suy nghĩ cứng nhắc khiến người mắc gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ và cuộc sống hàng ngày. Hiểu rõ về rối loạn nhân cách giúp chúng ta nhận diện, hỗ trợ và tìm ra những phương pháp can thiệp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người mắc và cả cộng đồng. Bài viết nhằm cung cấp cái nhìn tổng quan về các loại rối loạn nhân cách, làm rõ nguyên nhân gây ra các tình trạng này cũng như đưa ra các phương pháp điều trị hiệu quả.
Giới thiệu về rối loạn nhân cách
Theo Carey (2021), rối loạn nhân cách (Personality disorders) là một nhóm các rối loạn tâm lý được đặc trưng bởi những mô thức suy nghĩ, cảm xúc và hành vi cứng nhắc, không điển hình. Những trải nghiệm và hành vi nội tại này thường khác biệt so với các chuẩn mực văn hóa của người đó.
Người mắc chứng rối loạn nhân cách có thể gặp khó khăn trong việc kết nối với người khác và giải quyết các vấn đề hàng ngày theo cách mà cộng đồng văn hóa của họ mong đợi. Ngay chính người mắc cũng có thể không hoàn toàn nhận thức được sự khác biệt giữa cách suy nghĩ và hành vi của mình với những chuẩn mực mà xã hội chấp nhận.

Cách một người với chứng rối loạn nhân cách nhìn nhận thế giới có thể rất khác biệt so với những người xung quanh. Hệ quả là họ có thể gặp khó khăn khi tham gia các hoạt động xã hội, học tập và trong gia đình.
Nguyên nhân dẫn đến rối loạn nhân cách
Theo Carey (2021), nguyên nhân cụ thể của chứng rối loạn nhân cách vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chứng rối loạn này được cho là bị kích thích bởi các ảnh hưởng từ di truyền và môi trường, tiêu biểu nhất là những trải nghiệm tồi tệ thời thơ ấu. Rối loạn nhân cách thường có khuynh hướng khởi phát trong giai đoạn thanh thiếu niên hoặc vị thành niên.

Phân loại các rối loạn nhân cách
Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn tâm thần (DSM 5) rối loạn nhân cách được chia thành 3 nhóm chính:

Rối loạn nhân cách nhóm A
Đặc điểm chính: Cá nhân mắc chứng rối loạn nhân cách Nhóm A có những hành vi kì quặc, lập dị và tư duy khác thường. Nhóm này bao gồm ba dạng rối loạn nhân cách: hoang tưởng (Paranoid), phân liệt (Schizoid), và thể phân liệt (Schizotypal).
Rối loạn nhân cách hoang tưởng
Chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng là một tình trạng tâm thần đặc trưng bởi sự thiếu tin tưởng và đa nghi tột độ, dẫn đến những suy giảm trong chức năng tâm lý xã hội. Người mắc thường lo lắng tột độ về việc bị phản bội cùng với những nghi ngờ không có cơ sở về sự chân thành và độ đáng tin cậy của bạn bè và gia đình. Họ rất dễ bị kích động và có thể phản ứng mạnh mẽ khi cảm thấy bị đe dọa. Nguyên nhân gây nên chứng rối loạn nhân cách hoang tưởng thường khá phức tạp, liên quan đến các yếu tố di truyền, môi trường và tâm lý
Rối loạn nhân cách phân liệt:
Theo Cherry (2022c), rối loạn nhân cách phân liệt (ScPD) là một tình trạng mãn tính và phổ biến, đặc trưng bởi sự cô lập xã hội và cảm giác thờ ơ đối với người khác. Những người mắc rối loạn này thường được mô tả là lạnh lùng, xa cách hoặc thu mình. Họ có biểu hiện xã hội hạn chế và có xu hướng tránh các tình huống tương tác xã hội. Những người này gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc và thiếu sự mong muốn xây dựng các mối quan hệ cá nhân gần gũi. Rối loạn nhân cách phân liệt được cho là khá hiếm và có xu hướng ảnh hưởng nhiều hơn đến nam giới so với nữ giới (Klonsky et al., 2002). Những người mắc rối loạn nhân cách phân liệt cũng có nguy cơ mắc chứng trầm cảm. Các hoàn cảnh sống và yếu tố sinh học có thể góp phần vào sự hình thành và phát triển của rối loạn nhân cách phân liệt. Những yếu tố này bao gồm: tuổi thơ bị bạo hành, các yếu tố nguy cơ trước khi sinh, các yếu tố nguy cơ sinh học, hay chấn thương sọ não (Kashyap, 2024).
Rối loạn nhân cách dạng phân liệt
Theo Morin (2021), rối loạn nhân cách dạng phân liệt được đặc trưng bởi những thiếu sót trong giao tiếp xã hội và quan hệ giữa các cá nhân. Những người mắc rối loạn nhân cách dạng phân liệt có ít khả năng—và có thể là không có nhu cầu—đối với các mối quan hệ gần gũi. Người mắc rối loạn nhân cách dạng phân liệt có suy nghĩ kỳ lạ, hành vi bất thường và gặp khó khăn trong việc tạo dựng các mối quan hệ xã hội bình thường. Họ có thể có những niềm tin phi lý và cách thức tiếp cận vấn đề theo cách khác biệt, gây khó khăn trong việc giao tiếp và hòa nhập với cộng đồng. Khác với rối loạn lo âu xã hội, khi cá nhân có thể cảm thấy thoải mái hơn theo thời gian, những người mắc rối loạn nhân cách dạng phân liệt vẫn cảm thấy khó chịu ngay cả khi họ tiếp xúc với những người cùng một môi trường, trong cùng một tình huống nhiều lần. Rối loạn này thường liên quan đến yếu tố di truyền, khi có tiền sử gia đình mắc các bệnh tâm thần, cùng với sự căng thẳng hoặc môi trường không ổn định trong gia đình.
Rối loạn nhân cách nhóm B
Đặc điểm chính: Người mắc rối loạn nhân cách nhóm B gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi của mình. Hành vi của họ có thể được người khác coi là kịch tính, cảm xúc thái quá, hoặc thất thường. Nhóm này bao gồm ba dạng rối loạn nhân cách: chống đối xã hội (Antisocial), ranh giới (Borderline), và kịch tính (Histrionic) và ái kỷ (Narcissistic).
Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (ASPD)
Theo Cherry (2022b), rối loạn nhân cách chống đối xã hội là một tình trạng đặc trưng bởi sự thiếu đồng cảm và tôn trọng đối với người khác. Chứng rối loạn này có thể phá hoại cả cuộc sống của người mắc và những người tiếp xúc với họ. Những người mắc rối loạn nhân cách chống đối xã hội có xu hướng tham gia vào các hành vi mạo hiểm, hoạt động nguy hiểm và hành vi phạm tội. Họ thường được mô tả là không có lương tâm và không cảm thấy hối hận hay ân hận về những hành động gây hại của mình. Nghiên cứu cho thấy, rối loạn nhân cách chống đối xã hội có liên quan mạnh mẽ đến yếu tố di truyền, và ảnh hưởng từ môi trường có thể làm gia tăng sự phát triển của chứng rối loạn này (Werner et al., 2015). Thêm vào đó, Rối loạn nhân cách chống đối xã hội cũng có thể khởi phát từ việc thiếu sự quan tâm hoặc kỷ luật nghiêm khắc trong gia đình, đặc biệt là trong thời thơ ấu. Những người lớn lên trong môi trường không có sự giám sát hoặc hỗ trợ cảm xúc có thể có khuynh hướng phát triển hành vi chống đối xã hội.
Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)
Theo Salters-Pedneault (2024), rối loạn nhân cách ranh giới là một tình trạng tâm lý nghiêm trọng đặc trưng bởi tâm trạng và cảm xúc, các mối quan hệ và hành vi không ổn định, như mua sắm quá mức, lạm dụng ma túy hoặc rượu, hoặc ăn uống vô độ. Trong một cơn BPD, người bệnh có thể hành động bốc đồng, tham gia vào các hành vi mạo hiểm, thay đổi tâm trạng nhanh chóng, từ vui vẻ sang buồn bã trong phút chốc, và thường xuyên cảm thấy giận dữ, lo âu hoặc trống rỗng. Quan hệ của họ với người thân thường đầy căng thẳng, mâu thuẫn, và lo sợ bị bỏ rơi. Họ cũng có sự thay đổi lớn trong cách nhìn nhận bản thân, từ cảm thấy tốt về bản thân đến cảm thấy tồi tệ hoặc xấu xa. Dưới áp lực, họ có thể trải qua những suy nghĩ hoang tưởng hoặc cảm giác tách biệt khỏi cơ thể. Có bằng chứng cho thấy sự khác biệt về cấu trúc và chức năng não ở những người mắc Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD), đặc biệt ở các vùng não liên quan đến việc kiểm soát hành vi bốc đồng và điều chỉnh cảm xúc (Krause-Utz et al., 2017). Tuy nhiên, chưa rõ liệu những sự khác biệt này là hệ quả của việc mắc BPD hay là yếu tố nguyên nhân. Chứng rối loạn này cũng được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền. Thêm vào đó, chứng rối loạn này cũng thường liên quan đến tuổi thơ bị bỏ rơi hoặc trải qua sang chấn tâm lý, khi người bệnh không nhận được sự quan tâm và yêu thương đầy đủ từ gia đình, hoặc đã trải qua các trải nghiệm đau thương như bị lạm dụng, bỏ rơi hoặc chứng kiến các mối quan hệ không lành mạnh. Tuy nhiên, không phải tất cả những người mắc BPD đều có những trải nghiệm tiêu cực này trong thời thơ ấu, và ngược lại, nhiều người đã trải qua chúng nhưng không phát triển BPD.
Rối loạn nhân cách kịch tính (HPD)
Theo Pugle (2023), rối loạn nhân cách kịch tính là một rối loạn tâm lý đặc trưng bởi cảm xúc thái quá và hành vi tìm kiếm sự chú ý. Những người mắc chứng Rối loạn nhân cách kịch tính thường hành động một cách rất cảm xúc và kịch tính, thu hút sự chú ý vào bản thân. Họ thường cảm thấy khó chịu nếu không phải là trung tâm của sự chú ý và có xu hướng ăn mặc khiêu gợi hoặc thể hiện hành vi quyến rũ không phù hợp. Họ dễ thay đổi cảm xúc nhanh chóng, hành động một cách kịch tính và thái quá, thường xuyên lo lắng về vẻ ngoài và tìm kiếm sự xác nhận từ người khác. Họ dễ bị ảnh hưởng, rất nhạy cảm với sự chỉ trích, và có xu hướng ra quyết định vội vàng mà không suy nghĩ kỹ, khó duy trì các mối quan hệ lâu dài. Mặc dù vậy, họ thường khó có thể được nhận diện vì thường là những cá nhân có khả năng hoạt động tốt, thành công trong công việc và học tập. Rối loạn nhân cách kịch tính có xu hướng di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, một đứa trẻ cũng có thể “học” các hành vi đặc trưng của Rối loạn nhân cách kịch tính từ cha mẹ mắc chứng rối loạn này. Sự thích nghi với môi trường sang chấn và các phong cách nuôi dạy thiếu ranh giới, quá nuông chiều hoặc thiếu kiên định có thể làm trẻ dễ mắc Rối loạn nhân cách kịch tính.
Rối loạn nhân cách ái kỷ (NPD)
Theo Cherry (2022a), rối loạn nhân cách ái kỷ đặc trưng bởi sự thổi phồng về bản thân, nhu cầu liên tục được chú ý, tự cho bản thân là trung tâm, thiếu đồng cảm cũng như ám ảnh với quyền lực và thành công. Người mắc Rối loạn nhân cách ái kỷ thường được mô tả là kiêu ngạo, tự cao, tập trung vào bản thân và xem thường người khác. Họ luôn cho rằng mình vượt trội hơn những người xung quanh, họ thường yêu cầu sở hữu những món đồ phản ánh một lối sống thành đạt. Mặc dù có hình ảnh bản thân phóng đại, họ lại phụ thuộc vào sự khen ngợi và chú ý liên tục để củng cố lòng tự trọng. Do đó, người mắc Rối loạn nhân cách ái kỷ thường rất nhạy cảm với sự chỉ trích, coi đó là một sự công kích cá nhân. Một số trải nghiệm sớm trong cuộc sống được cho là góp phần gây ra Rối loạn nhân cách ái kỷ, bao gồm: lạm dụng hoặc sang chấn, sự khen ngợi quá mức, thiếu một môi trường xác nhận chân thật, sự nuông chiều quá mức từ cha mẹ, cha mẹ thiếu kiên định trong việc nuôi dạy. Ngoài ra, yếu tố di truyền và sinh học cũng được cho là đóng vai trò quan trọng, mặc dù nguyên nhân chính xác có thể phức tạp và đa dạng (Kacel et al., 2017).
Rối loạn nhân cách nhóm C
Một người mắc rối loạn nhân cách nhóm C thường hành xử theo cách lo âu hoặc tránh né. Nhóm C bao gồm ba rối loạn nhân cách: Rối loạn nhân cách né tránh (Avoidant), lệ thuộc (Dependent) và ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive)
Rối loạn nhân cách né tránh (AVPD)
Theo Cuncic (2024), rối loạn nhân cách né tránh đặc trưng bởi sự ức chế xã hội, cảm giác tự ti và nhạy cảm với sự từ chối. Các triệu chứng phổ biến bao gồm lo âu trong tình huống xã hội, sợ chỉ trích, thiếu sự tự tin, tránh xung đột, tự cô lập và khó hình thành mối quan hệ thân thiết. Người mắc thường cảm thấy mình kém cỏi, nhạy cảm với đánh giá tiêu cực và không dám thử nghiệm điều mới hoặc chấp nhận rủi ro. Các nguyên nhân gây nên chứng Rối loạn nhân cách né tránh được cho là có liên quan tới các yếu tố di truyền, môi trường, xã hội và tâm lý. Một số các tác nhân có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển của tình trạng này bao gồm: lạm dụng cảm xúc, chỉ trích, chế giễu, thiếu sự yêu thương hoặc chăm sóc từ cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng trong thời thơ ấu, và bị từ chối bởi bạn bè đồng trang lứa. Thông thường, những người mắc rối loạn này rất nhút nhát từ nhỏ và không vượt qua được sự nhút nhát khi trưởng thành. Trẻ em có mức độ ức chế hành vi cao có thể trải qua các trải nghiệm xã hội tiêu cực, góp phần hình thành các mô thức suy nghĩ làm tăng nguy cơ phát triển Rối loạn nhân cách né tránh (Eggum et al., 2009).
Tìm hiểu thêm về Rối loạn nhân cách tránh né tại bài viết: https://iprta.vn/avpd-roi-loan-nhan-cach-tranh-ne/
Rối loạn nhân cách phụ thuộc (DPD)
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.), rối loạn nhân cách phụ thuộc đặc trưng bởi hành vi cần sự giúp đỡ, dựa dẫm, bám víu và phục tùng thay vì hành vi độc lập hay tự lập. Người mắc chứng Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định cho bản thân, và thường cảm thấy bất lực khi ở một mình vì họ không thể tự chăm sóc bản thân. Thay vào đó, họ có xu hướng lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Những triệu chứng của Rối loạn nhân cách phụ thuộc thường khởi phát ở trẻ nhỏ hoặc trong giai đoạn vị thành niên, thường là trước tuổi 30 (Cleveland Clinic, n.d.). Do đó, những người mắc chứng rối loạn này thường có khuynh hướng chấp nhận và chịu đựng sự lạm dụng về thể chất và lời nói (Carey, 2021). Một số yếu tố có thể góp phần dẫn tới sự hình thành và phát triển của tình trạng này, bao gồm mối quan hệ lạm dụng, trải nghiệm thuở nhỏ, yếu tố di truyền, và các yếu tố văn hoá, xã hội (Gupta, 2023).
Rối loạn nhân cách ám ảnh – cưỡng chế (hoặc “Rối loạn nhân cách ám ảnh nghi thức – OCPD)
Theo French (2024), rối loạn nhân cách ám ảnh – cưỡng chế (OCPD) và rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) là hai chứng rối loạn khác nhau, mặc dù một số người có thể mắc cả hai. Những khác biệt chính giữa hai chứng rối loạn được thể hiện qua bảng dưới đây:
OCPD | OCD |
Một chứng rối loạn nhân cách liên quan đến nhu cầu kiểm soát cao | Một tình trạng sức khỏe tâm lý liên quan đến những suy nghĩ không mong muốn (ám ảnh) cùng những hành vi tái diễn (cưỡng chế) |
Những biểu hiện đặc trưng bao gồm chủ nghĩa hoàn hảo, và sự chú trọng trật tự, chi tiết quá mức. | Thường dẫn tới những đau khổ do các triệu chứng trên |
Các đặc điểm thường kéo dài qua thời gian | Các triệu chứng thường dao động theo thời gian do sự lo lắng |
Người mắc thường tin rằng cách hành xử của họ là đúng đắn và cảm thấy thoải mái với những quy tắc mà họ tự đề ra | Người mắc thường có nhận thức rằng những suy nghĩ không mong muốn của họ có thể là vô lý. |
Cá nhân mắc chứng OCPD thường biểu hiện tính cứng nhắc, chú trọng đến trật tự và sự hoàn hảo, khó kiểm soát cảm xúc, ưu tiên công việc, khó duy trì mối quan hệ thân mật và không linh hoạt trong việc giao quyền hoặc thay đổi kế hoạch. Theo Watson (2023), chứng rối loạn này có thể được gây nên bởi yếu tố di truyền và những trải nghiệm thời thơ ấu. Trong một số nghiên cứu, người trưởng thành có thể nhớ lại việc trải qua các dấu hiệu của rối loạn này từ khi còn nhỏ. Họ có thể cảm thấy bản thân cần phải trở thành một đứa trẻ hoàn hảo hoặc vô cùng vâng lời. Nhu cầu tuân thủ quy tắc này sau đó tiếp tục kéo dài đến khi trưởng thành.
Chẩn đoán và điều trị
Phương pháp chẩn đoán
Theo Carey (2021), các bác sĩ và các chuyên viên sẽ chẩn đoán tình trạng sức khoẻ tâm lý theo khung tham chiếu của Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần, phiên bản thứ năm (DSM-5). Mỗi chứng rối loạn nhân cách có những tiêu chí riêng để chẩn đoán. Bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần sẽ đặt câu hỏi dựa trên những tiêu chí này để xác định loại rối loạn.
Để được chẩn đoán, hành vi và cảm xúc của người bệnh cần phải nhất quán trong nhiều hoàn cảnh sống và gây ra sự đau khổ hoặc suy giảm đáng kể trong ít nhất hai lĩnh vực sau:
❖ Cách nhìn nhận hoặc đánh giá bản thân và người khác
❖ Cách ứng xử khi giao tiếp với người khác
❖ Mức độ phù hợp của các phản ứng cảm xúc
❖ Khả năng kiểm soát các xung động
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để xác định liệu các vấn đề y tế có phải là nguyên nhân gây ra triệu chứng hay không. Ngoài ra, xét nghiệm sàng lọc rượu hoặc ma túy cũng có thể được thực hiện nếu nghi ngờ chất kích thích là nguyên nhân gây triệu chứng.
Phương pháp điều trị
Theo Carey (2021), các phương pháp điều trị có thể phụ thuộc vào tuỳ chứng rối loạn cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Hai phương pháp phổ biến bao gồm tâm lý trị liệu (psychotherapy) và sử dụng thuốc (medications).
Tâm lý trị liệu
Tâm lý trị liệu, hoặc liệu pháp trò chuyện, có thể hỗ trợ kiểm soát các chứng rối loạn nhân cách. Trong quá trình này, nhà trị liệu có thể bàn luận với người bệnh về tình trạng, cũng như cảm nhận và suy nghĩ của họ, qua đó cung cấp cái nhìn sâu sắc về cách kiểm soát triệu chứng và hành vi gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
Có nhiều phương thức tâm lý trị liệu. Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT) kết hợp các buổi nhóm và cá nhân để giúp người bệnh học cách chịu đựng căng thẳng và cải thiện mối quan hệ. Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) tập trung vào việc thay đổi các mô thức suy nghĩ tiêu cực để đối phó tốt hơn với những thách thức hàng ngày.
Dùng thuốc
Hiện chưa có loại thuốc nào được phê duyệt đặc biệt để điều trị rối loạn nhân cách. Tuy nhiên, một số loại thuốc kê đơn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: Giúp cải thiện tâm trạng chán nản, giảm tức giận hoặc tính bốc đồng.
- Thuốc ổn định tâm trạng: Ngăn ngừa sự thay đổi cảm xúc mạnh và giảm kích thích hoặc hung hăng.
- Thuốc chống loạn thần (hay thuốc an thần kinh): Hữu ích trong việc giảm các triệu chứng loạn thần như ảo giác và hoang tưởng.
- Thuốc giảm lo âu: Giúp giảm lo lắng, kích động và mất ngủ.
Lời khuyên dành cho người bị rối loạn nhân cách và người thân
Đối với người mắc rối loạn nhân cách, việc tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn là bước quan trọng đầu tiên. Nếu cá nhân cho rằng bản thân có một số biểu hiện của chứng rối loạn nhân cách, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc nhà trị liệu tâm lý để được chẩn đoán chính xác và xây dựng kế hoạch điều trị phù hợp. Ngoài ra, người mắc chứng rối loạn nhân cách nên học cách tự quản lý cảm xúc thông qua các kỹ thuật như thiền, hít thở sâu hoặc viết nhật ký để kiểm soát những cảm xúc tiêu cực. Tham gia các nhóm hỗ trợ cũng là một cách hiệu quả để kết nối với những người có hoàn cảnh tương tự, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm sự đồng cảm.
Người thân của người mắc rối loạn nhân cách cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của người mắc. Lắng nghe mà không phán xét là một điều tiên quyết để người bệnh cảm thấy được hỗ trợ và không bị cô lập. Đồng thời, việc tìm hiểu về rối loạn nhân cách là rất cần thiết để tránh những hiểu lầm và hỗ trợ một cách hiệu quả. Khuyến khích người bệnh duy trì các buổi trị liệu và tuân thủ kế hoạch điều trị là điều cần thiết để họ từng bước cải thiện tình trạng của mình.
Hỗ trợ xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc giúp người mắc rối loạn nhân cách cảm thấy được chấp nhận và giảm bớt cảm giác cô lập. Một mạng lưới xã hội tích cực, bao gồm gia đình và bạn bè, có thể tạo ra môi trường an toàn, giúp người bệnh cảm thấy an tâm và được khích lệ trong quá trình điều trị. Mối quan hệ gắn bó với những người thân yêu là nguồn động viên lớn lao để người bệnh vượt qua khó khăn.
Cách đăng ký khám tại Viện IPRTA
Nếu bạn hoặc người thân đang gặp khó khăn liên quan đến rối loạn nhân cách, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Quý anh chị có thể đặt lịch hẹn với đội ngũ bác sĩ và chuyên gia tư vấn tâm lý tại Viện Tâm lý IPRTA theo hai cách:
- Điền thông tin vào biểu mẫu dưới đây hoặc
- Liên hệ trực tiếp qua hotline/zalo 090 696 28 56 của Viện để được hỗ trợ nhanh chóng và chi tiết
Chăm sóc sức khỏe tâm lý là một hành trình cần sự đồng hành và thấu hiểu. Chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ bạn.
Tài liệu tham khảo
- American Psychiatric Association. (n.d.). What are Personality Disorders?
- Carey, E. (2021). Personality disorder. Healthline.
- Cherry, K. (2022a). What you should know about Narcissistic Personality Disorder (NPD). Verywell Mind.
- Cherry, K. (2022b). What is Antisocial Personality Disorder (ASPD)? Verywell Mind.
- Cherry, K. (2022c). What is Schizoid Personality Disorder? Verywell Mind.

Viện Trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung
Viện Trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung không chỉ là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học mà còn là người tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo tâm lý ứng dụng tại Việt Nam. Sinh ngày 20/01/1982 tại Đắk Lắk, quê quán Bình Định, chị đã không ngừng nỗ lực để đạt được thành tựu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tâm lý học và giáo dục mầm non.
Là người sáng lập và điều hành Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý (IPRTA), chị Dung đã dành trọn tâm huyết của mình cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển các phương pháp hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt, cũng như đào tạo đội ngũ chuyên gia tâm lý. Không chỉ giới hạn trong vai trò viện trưởng, chị còn sáng lập Trường Mầm non Em Bé Hạnh Phúc và Hệ thống trung tâm giáo dục, nhân văn, tủ sách Tâm lý “Ước Mơ Của Mẹ”, góp phần nâng cao nhận thức về tâm lý trẻ em trong cộng đồng.