Rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc: Nguyên nhân, biểu hiện và cách điều trị

Rối loạn cảm xúc là một tình trạng sức khoẻ tâm lý gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh hoạt và chất lượng cuộc sống của người mắc. Các rối loạn này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em, thanh thiếu niên, đến người trưởng thành. Tuy nhiên, các triệu chứng ở trẻ em thường khác biệt và phức tạp hơn so với người lớn, khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Việc nhận thức và nhận diện sớm các dấu hiệu của rối loạn cảm xúc là rất quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị kịp thời, giúp bảo vệ sức khỏe tinh thần của bản thân và những người xung quanh.

Rối loạn cảm xúc là gì?

Theo định nghĩa của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (American Psychological Association [APA], n.d.), rối loạn cảm xúc được đặc trưng bởi các phản ứng cảm xúc không phù hợp hoặc vượt quá mức so với nguyên nhân gây ra. Đây là một rối loạn tại não bộ gây ra sự biến đổi cảm xúc không ổn định. Người bệnh thường chuyển từ cảm xúc hưng phấn, hưng cảm, sang cảm xúc ức chế, trầm cảm một cách nhanh chóng, bệnh có tính chất chu kỳ xen kẽ giữa hưng phấn và ức chế.

Theo Ferguson (2023), khi mọi người sử dụng thuật ngữ rối loạn cảm xúc này, họ thường đang ám chỉ về những tình trạng sức khỏe tâm lý gây ảnh hưởng tới tâm trạng của con người.

Người bị rối loạn cảm xúc thường trải qua những biến động tâm trạng mạnh mẽ, dao động giữa trạng thái hưng phấn tột độ và trầm cảm sâu sắc, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và chất lượng cuộc sống hằng ngày.
Người bị rối loạn cảm xúc thường trải qua những biến động tâm trạng mạnh mẽ, dao động giữa trạng thái hưng phấn tột độ và trầm cảm sâu sắc, ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và chất lượng cuộc sống hằng ngày.

Tác nhân gây ra các chứng rối loạn cảm xúc

Mặc dù những nguyên nhân của các chứng rối loạn cảm xúc chưa hoàn toàn được hiểu rõ, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng có một số tác nhân có thể làm tăng nguy cơ hình thành rối loạn cảm xúc (Ferguson, 2023; Sekhon & Gupta, 2023). Những tác nhân đó bao gồm (Ferguson, 2023; Cleveland Clinic, 2024):

Chức năng não

Cấu trúc và hóa chất của não có thể đóng vai trò trong việc một cá nhân có hình thành rối loạn cảm xúc hay không. Cụ thể là:

  • Cấu trúc não: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc rối loạn cảm xúc, như trầm cảm hay lo âu, có thể có sự khác biệt trong cấu trúc não so với những người không mắc phải. Ví dụ, vùng não ‘hippocampus’ (hồi hải mã), chịu trách nhiệm về trí nhớ và cảm xúc, có thể nhỏ hơn ở những người mắc chứng trầm cảm. Điều này có thể làm giảm khả năng điều chỉnh cảm xúc và dễ dẫn đến các trạng thái cảm xúc tiêu cực.
  • Hóa chất của não: Não bộ của con người điều chỉnh cảm xúc dựa trên các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin hay dopamine. Khi sự cân bằng này bị phá vỡ, cảm xúc có thể trở nên khó kiểm soát và mất ổn định, và gây ra các chứng rối loạn cảm xúc. Ví dụ, thiếu ‘serotonin’ có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng trầm cảm, trong khi một sự thay đổi quá mức của ‘dopamine’ có thể dẫn đến các vấn đề như rối loạn lưỡng cực.

Di truyền

Các rối loạn cảm xúc thường có xu hướng di truyền trong gia đình. Điều này có nghĩa là, nếu một người có cha mẹ hoặc người thân gần trong họ hàng mắc phải, họ sẽ có nguy cơ mắc cao hơn so với những người khác.

Hormone

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng mức độ hormone kích thích tuyến giáp cao có liên quan đến trầm cảm. Hormone cũng có thể đóng vai trò trong việc phát triển chứng trầm cảm sau sinh, cũng như rối loạn cảm xúc tiền kinh nguyệt (PMDD).

Yếu tố môi trường

Những thay đổi lớn trong cuộc sống, như sự ra đi của người thân; căng thẳng kéo dài; các sự kiện chấn thương tâm lý; và lạm dụng trong thời thơ ấu thường là những yếu tố chính dẫn đến việc hình thành và phát triển rối loạn cảm xúc sau này, đặc biệt là trầm cảm.

Biểu hiện của rối loạn cảm xúc

Theo Ferguson (2023), trong các bối cảnh lâm sàng, thuật ngữ rối loạn tâm trạng (Mood disorders) thường được sử dụng phổ biến hơn so với thuật ngữ rối loạn cảm xúc (Emotional disorders).

Biểu hiện của rối loạn cảm xúc bao gồm những thay đổi thất thường về tâm trạng, từ hưng phấn quá mức đến trầm cảm kéo dài, kèm theo rối loạn giấc ngủ, mất động lực, dễ cáu gắt hoặc có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.
Biểu hiện của rối loạn cảm xúc bao gồm những thay đổi thất thường về tâm trạng, từ hưng phấn quá mức đến trầm cảm kéo dài, kèm theo rối loạn giấc ngủ, mất động lực, dễ cáu gắt hoặc có những suy nghĩ tiêu cực về bản thân và cuộc sống.

Các biểu hiện của rối loạn cảm xúc có thể thay đổi tùy theo từng cá nhân và loại rối loạn cụ thể. Thêm vào đó, không phải ai mắc rối loạn cảm xúc cũng sẽ có biểu hiện giống nhau hoặc những trải nghiệm giống nhau. Nhưng nhìn chung, các triệu chứng của rối loạn cảm xúc có thể được phân chia thành hai nhóm chính sau đây

Các dấu hiệu trầm cảm:

Thường xuất hiện trong các rối loạn trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, và rối loạn cảm xúc tiền kinh nguyệt (PMDD), với các biểu hiện:

  • Về mặt cảm xúc: cảm giác buồn bã hoặc vô vọng; cảm giác tê liệt hoặc không có cảm xúc; mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích, cảm giác bất an, nhìn nhận nhiều sự vật trong cả quá khứ, hiện tại, tương lai với màu sắc ảm đạm.
  • Về mặt tư duy: khó khăn trong việc tập trung, quá trình liên tưởng chậm chạp, khó diễn đạt suy nghĩ của bản thân, có những hoang tưởng tự buộc tội bản thân, suy nghĩ về cái chết, hoặc về việc tự làm hại bản thân
  • Về mặt hành động: mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng; mất cảm giác thèm ăn hoặc ăn quá độ; ngủ quá nhiều hoặc ngủ không đủ giấc

Các dấu hiệu hưng cảm:

Thường xuất hiện trong các giai đoạn hưng cảm và hưng cảm nhẹ của chứng rối loạn lưỡng cực, với các biểu hiện:

  • Về mặt cảm xúc: cảm thấy hưng phấn, vui vẻ hoặc tự tin một cách quá độ hoặc bất thường; cảm giác bồn chồn hoặc cáu kỉnh
  • Về mặt tư duy: suy nghĩ dồn dập (racing thoughts*), quá trình liên tưởng nhanh, dòng suy nghĩ luôn thay đổi.
  • Về mặt hành động: tham gia vào các hành vi mang tính mạo hiểm, rủi ro như tiêu xài quá mức, lái xe liều lĩnh hoặc lạm dụng chất kích thích; ngủ ít, đi lại nhiều, hoạt động hưng phấn cao độ, các hành vi giải tỏa theo bản năng như đập phá, tấn công người khác.

            Ngoài ra, rối loạn lo âu (Anxiety disorders) không được xếp vào nhóm rối loạn tâm trạng, mặc dù chúng có thể gây ra những ảnh hưởng đến tâm trạng và thường khởi phát đồng thời với các chứng rối loạn tâm trạng khác. Thêm vào đó, các chứng rối loạn như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), và rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) cũng không được coi là rối loạn tâm trạng.

*Chú thích: Racing thoughts xảy ra khi tâm trí một người bị choáng ngợp, quá tải bởi nhiều luồng suy nghĩ nhanh, tiếp diễn và lặp đi lặp lại mà họ không thể kiểm soát được. Những suy nghĩ này có thể chồng chéo lên nhau, khiến cá nhân cảm thấy lo lắng, bối rối và khó tập trung.

Các phương pháp điều trị rối loạn cảm xúc

Rối loạn cảm xúc có thể được điều trị, với các phương pháp và liệu trình trị liệu phụ thuộc vào từng loại rối loạn cụ thể cũng như tình trạng của người mắc. Các phương pháp điều trị bao gồm (Cleveland Clinic, 2024; Ferguson, 2023)

Liệu pháp tâm lý (Psychotherapy)

Liệu pháp tâm lý, hay còn được gọi là liệu pháp trò chuyện (Talk therapy), giúp cá nhân nhận diện và thay đổi các mô thức không lành mạnh trong suy nghĩ, hành vi và cảm xúc của mình. Cá nhân có thể sử dụng liệu pháp này và coi nó như một không gian để khám phá và xử lý cảm xúc của mình một cách lành mạnh.

Có nhiều loại liệu pháp khác nhau được sử dụng để điều trị các rối loạn cảm xúc. Một số loại liệu pháp phổ biến nhất bao gồm: Liệu pháp nhận thức – hành vi (CBT), Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT), và Liệu pháp tâm động học (psychodynamic therapy)

Liệu pháp trò chuyện được thực hiện với một chuyên gia sức khỏe tâm thần có chứng chỉ, ví dụ như nhân viên công tác xã hội lâm sàng, nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.

Thuốc điều trị

Trong một số trường hợp, một số loại thuốc — như thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc ổn định tâm trạng — có thể mang lại lợi ích đáng kể cho những người mắc rối loạn cảm xúc.

Một số loại thuốc phổ biến điều trị rối loạn cảm xúc bao gồm:

  • Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm, với các chất ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs) và chất ức chế tái hấp thu norepinephrine (SNRIs), được sử dụng để điều trị nhiều tình trạng sức khỏe tâm thần.
  • Thuốc antipsychotic (thuốc chống loạn thần): Những loại thuốc này thường được kê đơn cho rối loạn lưỡng cực. Đôi khi, trầm cảm cũng được điều trị bằng một loại thuốc antipsychotic atypical kết hợp với thuốc chống trầm cảm.
  • Thuốc ổn định tâm trạng: Những loại thuốc này có thể giúp điều chỉnh các thay đổi tâm trạng xảy ra trong rối loạn lưỡng cực. Chúng đôi khi được kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

Lưu ý: Mọi thắc mắc về thuốc và việc điều trị cần được trao đổi với bác sĩ chuyên khoa

Các phương pháp điều trị khác

Theo Ferguson (2023), trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị thay thế, chẳng hạn như:

  • Liệu pháp điện giật (ECT): Đây là một thủ thuật y tế được sử dụng khi bệnh nhân không có đáp ứng tốt với các loại thuốc điều trị hoặc các liệu pháp tâm lý. ECT đóng vai trò tái cấu trúc hoạt động của não bộ. Trong quá trình điều trị, dòng điện nhẹ sẽ được tác động vào não bộ của người bệnh để tạo ra một cơn co giật ngắn kéo dài từ 30 – 60 giây. Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân và dùng thuốc giãn cơ để tránh co giật mạnh trước quá trình thực hiện liệu pháp này. Theo bác sĩ Howard Weeks từ Phòng khám Rối loạn Cảm xúc Kháng Điều trị tại UNI, liệu pháp ECT có tỷ lệ thành công từ 70 đến 90% trong việc giúp bệnh nhân cải thiện. Con số này cao hơn so với tỷ lệ 50 đến 60% của những người sử dụng thuốc điều trị (Ker, 2019).
  • Liệu pháp ánh sáng (light therapy): Đây là phương pháp sử dụng ánh sáng nhân tạo để điều trị các rối loạn cảm xúc, đặc biệt là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Người bệnh sẽ ngồi trước hộp đèn có cường độ từ 2,500 đến 10,000 lux trong khoảng 20 đến 30 phút mỗi ngày, thường vào buổi sáng. Ánh sáng này giúp điều chỉnh nhịp sinh học, giảm sản xuất hormone melatonin gây buồn ngủ và tăng serotonin, từ đó cải thiện tâm trạng. Phương pháp này thường cho hiệu quả tích cực sau 1 – 2 tuần, với ít tác dụng phụ như nhức đầu hoặc kích ứng mắt.
  • Kích thích từ trường xuyên sọ (TMS): Đây là một phương pháp điều trị không xâm lấn sử dụng các xung điện để kích thích các tế bào thần kinh. Cụ thể, một thiết bị từ tính hình vòng sẽ được đặt lên da đầu bệnh nhân, thường ở khu vực gần vùng vỏ não trước trán, vùng có liên quan đến kiểm soát tâm trạng. Do TMS sử dụng các xung điện lặp đi lặp lại, nên đôi khi nó được gọi là kích thích từ trường xuyên sọ lặp lại (rTMS). Hai thuật ngữ này thường được sử dụng thay thế cho nhau (Nunez, 2024).

 Biện pháp phòng ngừa rối loạn cảm xúc

Việc phòng ngừa rối loạn cảm xúc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần lâu dài. Điều này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc phải các vấn đề tâm lý mà còn mang lại sự ổn định và chất lượng cuộc sống tốt hơn cho mỗi người.

Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, kết hợp với quản lý căng thẳng qua thiền định, hít thở sâu, và đặc biệt là tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý, là những biện pháp quan trọng giúp phòng ng
Duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục đều đặn, kết hợp với quản lý căng thẳng qua thiền định, hít thở sâu, và đặc biệt là tìm kiếm hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý, là những biện pháp quan trọng giúp phòng ng

Các biện pháp phòng ngừa có thể kể đến như:

Duy trì lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh có thể tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của bạn. Một chế độ ăn uống cân bằng, đủ dinh dưỡng, kết hợp với việc tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe thể chất, từ đó cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Ngoài ra, giấc ngủ đủ và chất lượng cũng rất quan trọng trong việc duy trì sự ổn định về mặt cảm xúc. Thực hiện các thói quen lành mạnh giúp cơ thể người mắc trở nên khỏe mạnh hơn và tâm lý vững vàng hơn.

Quản lý căng thẳng hiệu quả

Căng thẳng là một yếu tố lớn gây ra các rối loạn cảm xúc, do đó việc quản lý và giảm thiểu căng thẳng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa. Các kỹ thuật thư giãn như thiền, yoga, hoặc đơn giản là đi dạo ngoài trời có thể giúp giảm mức độ căng thẳng và giúp người mắc lấy lại sự bình tĩnh. Bên cạnh đó, việc học cách giải quyết vấn đề một cách hợp lý và không để những áp lực quá tải cũng giúp duy trì tinh thần ổn định.

Tìm kiếm hỗ trợ khi cần thiết

Khi cảm thấy tâm trạng bị suy giảm hoặc gặp khó khăn trong việc xử lý cảm xúc, việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè hoặc chuyên gia tâm lý là rất quan trọng. Đôi khi, chỉ cần chia sẻ và nhận sự động viên cũng có thể giúp người mắc cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nếu tình trạng cảm xúc kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, việc thăm khám và điều trị kịp thời từ bác sĩ hoặc nhà tư vấn tâm lý sẽ giúp họ tránh được các rối loạn cảm xúc nghiêm trọng hơn trong tương lai.

Khi nào cần tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia?

Cá nhân nên tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các chuyên gia khi nhận thấy bản thân đang gặp phải một vài dấu hiệu dưới đây:

  • Cảm giác buồn bã, lo âu kéo dài: Nếu cá nhân cảm thấy buồn bã hoặc lo âu kéo dài mà không thể tự vượt qua, hoặc nếu những cảm xúc này ảnh hưởng đến công việc và các mối quan hệ hàng ngày, đó có thể là dấu hiệu của một rối loạn cảm xúc cần được kiểm tra.
  • Mất hứng thú với các hoạt động yêu thích: Khi một người không còn cảm thấy hứng thú hay vui vẻ với các hoạt động họ từng yêu thích, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm hoặc một vấn đề tâm lý khác.
  • Khó tập trung hoặc ra quyết định: Một dấu hiệu khác của chứng rối loạn cảm xúc có thể bắt gặp khi cá nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung, suy nghĩ mạch lạc hoặc đưa ra quyết định.
  • Suy nghĩ tiêu cực hoặc về tự sát: Nếu cá nhân có những suy nghĩ về tự làm hại bản thân, tự sát, hoặc cảm thấy không có lý do để sống, họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức từ bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Lợi ích của việc thăm khám và điều trị sớm

Ngăn ngừa tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn: Việc điều trị kịp thời có thể giúp ngăn chặn sự tiến triển của các triệu chứng, từ đó hạn chế tác động nghiêm trọng và lâu dài đến cuộc sống cũng như sức khỏe tinh thần của người mắc

Cải thiện chất lượng cuộc sống: Điều trị sớm giúp người mắc chứng rối loạn cảm xúc sớm quay trở lại cuộc sống bình thường, giảm thiểu cảm giác đau khổ và lo âu, từ đó cải thiện các mối quan hệ cá nhân và công việc.

Giúp quản lý các triệu chứng hiệu quả: Việc tham vấn bác sĩ giúp người mắc các chứng rối loạn cảm xúc có được sự hỗ trợ chuyên môn để quản lý các triệu chứng rối loạn cảm xúc một cách hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ tái phát.

Tăng cường khả năng phục hồi: Điều trị sớm tạo điều kiện phục hồi nhanh chóng và tạo ra một nền tảng vững chắc để đối mặt với các thử thách trong tương lai mà không bị quá tải.

Cách đặt lịch tham vấn với chuyên gia Viện IPRTA

Nếu bạn hoặc người thân đang gặp khó khăn liên quan đến rối loạn cảm xúc, đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Quý anh chị có thể đặt lịch hẹn với đội ngũ bác sĩ và chuyên gia tư vấn tâm lý tại Viện Tâm lý IPRTA theo hai cách:

  • Điền thông tin vào biểu mẫu dưới đây hoặc
  • Liên hệ trực tiếp qua hotline/zalo 090 696 28 56 của Viện để được hỗ trợ nhanh chóng và chi tiết

Chăm sóc sức khỏe tâm lý là một hành trình cần sự đồng hành và thấu hiểu. Chúng tôi luôn ở đây để hỗ trợ bạn.

Kết luận

Rối loạn cảm xúc không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý mà còn tác động đến chất lượng cuộc sống của người mắc. Nhận thức và điều trị sớm là chìa khóa giúp cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Bằng việc duy trì lối sống lành mạnh, quản lý căng thẳng hiệu quả và tìm kiếm hỗ trợ từ các bác sĩ chuyên môn  kịp thời, mỗi cá nhân có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần của chính mình và những người thân yêu.

Tài liệu tham khảo

  • American Psychological Association. (n.d.). Emotional disorder. In APA dictionary of psychology. Retrieved April 19, 2018.
  • Cleveland Clinic. Mood disorders. (2024). Cleveland Clinic.
  • Ferguson, S. (2023). Understanding emotional disorders. Healthline.
  • Kerr, M. (2019, July 31). What is electroconvulsive therapy (ECT)? Healthline.
  • Nunez, K. (2024). What you need to know about Transcranial magnetic stimulation (TMS) therapy. Healthline.
  • Sekhon, S., & Gupta, V. (2023). Mood disorder. StatPearls – NCBI Bookshelf.
Thạc Sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung

Viện Trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung

Viện Trưởng Nguyễn Thị Thùy Dung không chỉ là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học mà còn là người tiên phong trong nghiên cứu và đào tạo tâm lý ứng dụng tại Việt Nam. Sinh ngày 20/01/1982 tại Đắk Lắk, quê quán Bình Định, chị đã không ngừng nỗ lực để đạt được thành tựu xuất sắc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tâm lý học và giáo dục mầm non.

Là người sáng lập và điều hành Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Ứng dụng Tâm lý (IPRTA), chị Dung đã dành trọn tâm huyết của mình cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển các phương pháp hỗ trợ trẻ em có nhu cầu đặc biệt, cũng như đào tạo đội ngũ chuyên gia tâm lý. Không chỉ giới hạn trong vai trò viện trưởng, chị còn sáng lập Trường Mầm non Em Bé Hạnh Phúc và Hệ thống trung tâm giáo dục, nhân văn, tủ sách Tâm lý “Ước Mơ Của Mẹ”, góp phần nâng cao nhận thức về tâm lý trẻ em trong cộng đồng.