Khủng hoảng tâm lý là một trạng thái rối loạn cảm xúc và suy nghĩ, có thể khiến con người rơi vào bế tắc hoặc mất phương hướng trong cuộc sống. Với những biểu hiện như lo âu kéo dài, mất kiểm soát cảm xúc, hay suy giảm khả năng đối mặt với áp lực, khủng hoảng tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến tâm trí mà còn gây hại cho sức khỏe tổng thể. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng và làm thế nào để tìm ra giải pháp hiệu quả? Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện dấu hiệu, hiểu rõ nguyên nhân và khám phá những hướng khắc phục phù hợp.
Khủng hoảng Tâm lý là gì?
Có nhiều cách khác nhau để định nghĩa về khủng hoảng, dưới góc độ sức khỏe tâm thần, khủng hoảng là khi một người tràn ngập những cảm xúc sợ hãi hoặc lo lắng đến mức các cơ chế ứng phó hiện tại không giúp ích được gì. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), dấu hiệu khủng hoảng phổ biến nhất là “sự thay đổi hành vi rõ ràng và đột ngột”. Vì vậy, khi hành vi và tâm trạng của bạn không bình thường, điều đó có thể bạn đang đến gần hoặc đang gặp khủng hoảng Tâm lý.
Khi ở trong tình trạng khủng hoảng, bạn rất bối rối và sợ hãi đến mức không thể đưa ra quyết định hoặc hành động và bạn có thể bắt đầu mất hy vọng.
Một loại khủng hoảng phổ biến được cho là đến từ những sự kiện đau thương như: tai nạn ô tô, thiên tai hoặc tai họa bất ngờ gây ra vô số đau khổ cho những người liên quan.
Ngoài ra, còn có một số loại khủng hoảng khác như:
- Khủng hoảng phát triển: loại khủng hoảng này là một phần của quá trình trưởng thành. Đôi khi, khủng hoảng thực sự là một phần có thể đoán trước được trong vòng đời, giống như những khủng hoảng được mô tả trong các giai đoạn phát triển Tâm lý xã hội của Erikson.
- Khủng hoảng hiện sinh: những loại xung đột nội tâm dẫn đến khủng hoảng này có liên quan đến những ý tưởng như mục đích sống, phương hướng và tâm linh của bạn. Khủng hoảng tuổi trung niên là một ví dụ về khủng hoảng bắt nguồn từ sự lo lắng hiện sinh.
- Khủng hoảng tình huống: khủng hoảng bất ngờ bao gồm tai nạn và thiên tai. Bị tai nạn ô tô, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt hoặc động đất, hoặc là nạn nhân của tội phạm là một vài ví dụ về khủng hoảng tình huống.
Sự khác biệt giữa khủng hoảng Tâm lý và trạng thái khẩn cấp về sức khỏe tinh thần?
Hiện nay vẫn còn một số ý kiến bất đồng về việc phân biệt giữa khủng hoảng Tâm lý và tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tinh thần. Nhiều ý kiến cho rằng không có sự khác biệt giữa hai tình trạng này nhưng một nhóm khác lại định nghĩa rằng tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tinh thần là một tình huống đe dọa tính mạng, trong đó một người có thể gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác, trong khi cơn khủng hoảng không đe dọa đến tính mạng nhưng người đó vẫn bị đau khổ trầm trọng.
Theo các chuyên gia, dù gọi là “trường hợp khẩn cấp về sức khỏe tinh thần”, “khủng hoảng” hay “suy sụp tinh thần” thì cũng cần được hỗ trợ ngay lập tức.
Làm thế nào để biết bạn có đang trải qua khủng hoảng Tâm lý không?
Một số dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang gặp khủng hoảng về sức khỏe tâm thần bao gồm:
- Khó khăn trong hoạt động hoặc không thể hoạt động (ví dụ: khó ra khỏi giường, đi làm hoặc thực hiện các công việc hàng ngày)
- Gặp khó khăn hoặc không có khả năng chăm sóc vệ sinh, chẳng hạn như đánh răng, thay quần áo và tắm rửa
- Thay đổi tâm trạng dữ dội hoặc đột ngột
- Rối loạn tâm thần như ảo giác hoặc ảo tưởng
- Chứng hoang tưởng
- Cảm thấy ngày càng kích động, tức giận hoặc bạo lực
- Ý nghĩ tự tử hoặc lập kế hoạch để tự tử
- Làm hại bản thân hoặc tự dùng thuốc
- Cô lập hoặc rút lui khỏi người khác
Nguyên nhân nào dẫn đến khủng hoảng Tâm lý?
Các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến khủng hoảng Tâm lý gồm:
- Các yếu tố rủi ro trong cộng đồng như phân biệt đối xử, phân biệt giới tính, bạo lực cộng đồng hoặc thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
- Các yếu tố rủi ro trong mối quan hệ như bị bắt nạt, cô lập xã hội hoặc các mối quan hệ bạo lực hoặc xung đột cao.
- Bi kịch, mất mát hoặc lạm dụng gần đây.
- Xu hướng bốc đồng hoặc hung hăng.
- Di truyền và lịch sử gia đình.
- Tiền sử trầm cảm hoặc bệnh tâm thần.
- Lịch sử chấn thương hoặc lạm dụng về thể chất hoặc tình dục.
- Tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hoặc mãn tính.
- Thuốc: một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ có ý nghĩ tự tử, lo lắng hoặc hoảng loạn ở một số người. Chúng bao gồm một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống lo âu, thuốc giảm đau opioid và corticosteroid.
- Sử dụng rượu hoặc chất kích thích.
Bạn nên làm gì khi gặp khủng hoảng Tâm lý?
Nếu bạn tin rằng mình đang gặp khủng hoảng, dù bạn có nghĩ đến việc tự tử hay không cũng nên tìm kiếm sự trợ giúp cần thiết từ những mạng lưới hỗ trợ xung quanh.
Đừng cố gắng vượt qua khủng hoảng một mình, gia đình và bạn bè là một phần không thể thiếu trong mạng lưới hỗ trợ của bạn. Tuy nhiên, để tránh những mối đe dọa nghiêm trọng có thể xảy ra do khủng hoảng, bạn nên tìm kiếm thêm sự trợ giúp chuyên môn cần thiết từ các chuyên gia Tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.
Hãy tự hỏi bản thân xem bạn cần gì ngay lúc này. Bạn có đang ở trong một tình huống không an toàn hay không? Bạn có cần chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để có thể tập trung vào việc giải quyết khủng hoảng hiện tại và đảm bảo rằng bạn đang thực hiện những điều cơ bản về chăm sóc bản thân để vượt qua một ngày không?
Chương trình điều trị sẽ như thế nào?
Tùy thuộc vào triệu chứng, tiền sử bệnh và nhiều yêu tố liên quan khác mà phương pháp điều trị khủng hoảng sẽ khác nhau ở mỗi người. Thông thường, các phương pháp điều trị bao gồm: thuốc, trị liệu Tâm lý hoặc kết hợp cả hai.
Các liệu pháp thường được dùng trong trị liệu Tâm lý cho những trường hợp khủng hoảng gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): liệu pháp này giúp các cá nhân xác định và thách thức các kiểu suy nghĩ tiêu cực, phát triển các chiến lược đối phó thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi.
- Liệu pháp hành vi biện chứng (DBT): liệu pháp này tập trung vào các kỹ năng về chánh niệm, điều tiết cảm xúc, chịu đựng đau khổ và hiệu quả giữa các cá nhân. Điều này giúp quản lý những cảm xúc mãnh liệt và cải thiện các mối quan hệ.
- Liệu pháp giải mẫn cảm và tái xử lý chuyển động mắt (EMDR): là liệu pháp tập trung vào chấn thương giúp các cá nhân xử lý và giải quyết những ký ức và trải nghiệm đau buồn.
Cách giúp đỡ người khác trong khủng hoảng Tâm lý
Nếu bạn tin rằng ai đó bạn biết đang gặp khủng hoảng Tâm lý, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh (hoặc ít nhất là giả vờ ủng hộ họ) và tìm ra hình thức hỗ trợ mà họ cần.
Một số kỹ thuật có thể sử dụng như:
- Giao tiếp một cách bình tĩnh mà không cao giọng có thể tránh kích động thêm sự hoảng loạn.
- Lắng nghe: việc này có thể giúp bạn tìm ra điều họ cần và hiểu được các triệu chứng hiện tại của họ.
- Bày tỏ sự ủng hộ và quan tâm: có thể giúp họ cảm thấy không đơn độc, đặc biệt nếu bạn không gặp trực tiếp họ. Ví dụ, bạn có thể hỏi, “Bạn có cần tôi gọi ai đó giúp bạn không?” hoặc “Bạn có cần chở đến bệnh viện không?”
Nếu có lúc nào đó bạn cảm thấy không an toàn, điều quan trọng là phải rời khỏi địa điểm đó ngay lập tức. Bạn vẫn có thể đảm bảo họ nhận được sự trợ giúp cần thiết trong khi bạn vẫn được an toàn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng sức khỏe tâm thần đã tăng 13% trong thập kỷ qua. Ở những người từ 15-29 tuổi, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai. Do đó, nhận diện và học cách ứng phó với khủng hoảng Tâm lý là điều cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Tài liệu tham khảo
- Jamie Elmer. (2022). What Is a Mental Health Crisis?. Retrieved from https://psychcentral.com/health/what-is-a-mental-health-crisis
- Apa.(2013). How to help in an emotional crisis. Retrieved from https://www.apa.org/topics/mental-health/help-emotional-crisis
- Kendra Cherry. (2023). What Is a Crisis?. Retrieved from https://verywellmind.com/what-is-a-crisis-2795061
- Canadian Mental Health Association. (2014). Coping with Mental Health Crises and Emergencies. Retrieved from https://bc.cmha.ca/documents/coping-with-mental-health-crises-and-emergencies-2/
- Mind Body Optimization. What is a Mental Health Crisis?. Retrieved from https://mindbodyo.com/mental-health-crisis-intervention/