Sang chấn tâm lý không chỉ là những tổn thương vô hình mà còn để lại ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và cuộc sống hằng ngày. Từ những biến cố trong quá khứ đến áp lực hiện tại, mỗi sang chấn đều mang theo dấu hiệu cần được nhận biết và chữa lành kịp thời. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu thường gặp và hướng dẫn cách phục hồi hiệu quả, mang lại sự cân bằng và bình an cho tâm hồn.
Sang chấn tâm lý là gì?
Chúng ta đều dùng từ “chấn thương” trong giao tiếp hàng ngày để chỉ một sự kiện cực kì căng thẳng đã xảy ra. Nhưng để hiểu rõ thuật ngữ sang chấn tâm lý (Psychological trauma) thì cần đề cập đến bất kỳ sự kiện hay trải nghiệm tồi tệ, đau thương hoặc sự căng thẳng cực độ vượt quá khả năng đối phó của con người (Giller, 1999). Những sự kiện này thường liên quan đến tai nạn, bạo lực, lạm dụng hoặc sự mất mát, chẳng hạn như việc trải qua một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, chứng kiến bạo lực gia đình, hay sống sót qua một trận thiên tai như bão hoặc lũ lụt.
Theo Tull (2023), sang chấn tâm lý có thể để lại những tổn hại về mặt tình cảm, thể chất và tâm lý. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (n.d.), ngay sau khi một cá nhân trải qua sự kiện tồi tệ đó, dễ thấy xuất hiện những phản ứng như sốc và sự chối bỏ tình cảnh. Các phản ứng dài hạn có thể bao gồm những cảm xúc không ổn định, hồi tưởng, mối quan hệ căng thẳng, hay thậm chí là các triệu chứng về thể chất như đau đầu hoặc buồn nôn. Từ những phản ứng ban đầu của cá nhân trước sự kiện mà họ trải qua và coi là khủng khiếp, tồi tệ; sang chấn tâm lý có thể phát triển lên thành rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) – một chứng rối loạn khác – khi các triệu chứng tiếp tục kéo dài trong hơn 30 ngày mà không có dấu hiệu thuyên giảm (Frank et al., 2017; Kowalski et al., 2012; Leonard, 2020 ).
Vì vậy, việc hiểu biết những kiến thức và thông tin cơ bản về sang chấn tâm lý là cần thiết để phát hiện sớm và hỗ trợ hiệu quả cho bản thân cũng như những người bị ảnh hưởng, nhằm ngăn ngừa những tác động lâu dài đến sức khỏe tinh thần.
Các loại sang chấn tâm lý
Sang chấn cấp tính (Acute Trauma)
Sang chấn cấp tính mô tả trải nghiệm đau thương của một cá nhân bởi một sự kiện đơn lẻ, riêng biệt nào đó, thường là đột ngột và ngoài dự kiến (Leonard, 2020; Bence, 2024). Những cá nhân trải qua sang chấn cấp tính có nguy cơ hình thành rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD), thường xảy ra và kéo dài trong khoảng từ 2 ngày đến 4 tuần đầu sau sự kiện ấy (Bryant & Harvey, 1997).
Một vụ va chạm xe cộ, thông báo cắt giảm nhân sự, hay sự ra đi đột ngột của một người thân yêu đều là những ví dụ điển hình của sang chấn cấp tính, cũng như những nguyên nhân tiêu biểu dẫn tới ASD. Những trải nghiệm này có thể dẫn đến những phản ứng cảm xúc mạnh mẽ ngay lập tức hoặc một khoảng thời gian ngắn sau khi sự kiện đó xảy ra (Quinn, 2023).
Sang chấn cấp tính thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn (Feriante & Sharma, 2024). Ví dụ như khi chứng kiến một vụ tai nạn nghiêm trọng, cá nhân có thể ngay lập tức cảm thấy sợ hãi và bất an. Nếu những cảm xúc và phản ứng này giảm dần theo thời gian, thì nó được coi là sang chấn cấp tính.
Sang chấn mãn tính (Chronic Trauma)
Sang chấn mãn tính diễn tả những sự kiện khủng khiếp, đau thương xảy ra liên tục, lặp lại và kéo dài trong nhiều tháng, hay thậm chí là trong nhiều năm (Leonard, 2020; Olivine, 2024). Những trải nghiệm này thường gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức khỏe tinh thần của cá nhân (Classen et al., 2017). Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ em có biểu hiện sang chấn mãn tính thường có nguy cơ mắc các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, thành tích học tập sa sút và trở thành tội phạm vị thành niên cao hơn (Fox et al., 2015; Larson et al., 2017).
Đối với người trưởng thành, nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa sang chấn mãn tính hình thành bởi những trải nghiệm tồi tệ từ thời thơ ấu với sự suy giảm chất lượng giấc ngủ (Ng & Chan, 2023), hành vi tự ngược đãi bản thân (Polskaya & Melnikova, 2020), rối loạn ăn uống vô độ (Palmisano et al., 2018), rối loạn tăng động giảm chú ý, trầm cảm và lo âu, cũng như rối loạn nhân cách (Cummings et al., 2012).
Bạo lực gia đình, hay việc đối mặt với một căn bệnh mãn tính trong thời gian dài là những ví dụ điển hình về những sự kiện dễ gây ra sang chấn dài hạn (Bence, 2024). Chẳng hạn, những người từng trải qua chiến tranh kéo dài thường phải đối mặt với những trải nghiệm đau thương liên tục, như chứng kiến cảnh bạo lực, mất mát, hoặc sống trong điều kiện không an toàn, dẫn đến cảm giác căng thẳng và lo sợ trong một thời gian dài. Ngoài ra, họ cũng dễ gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập cuộc sống bình thường, xây dựng mối quan hệ xã hội, và duy trì sự ổn định về cảm xúc.
Sang chấn phức tạp (Complex Trauma)
Sang chấn phức tạp xảy ra khi một cá nhân trải qua nhiều sự kiện gây sang chấn, đau thương khác nhau trong một khoảng thời gian dài, hình thành nên những ảnh hưởng tiêu cực tới sinh hoạt hàng ngày cũng như sức khỏe tinh thần của người đó (Leonard, 2020). Sang chấn phức tạp chủ yếu liên quan đến mối quan hệ cá nhân và thường bắt đầu từ những năm đầu đời (Spinazzola et al., 2005). Cũng theo Spinazzola et al. (2005), những trải nghiệm này phát sinh từ môi trường nuôi dưỡng của trẻ, bao gồm sự bỏ bê về thể chất, tình cảm và giáo dục, cũng như sự lạm dụng trẻ em .
Một ví dụ minh hoạ về sang chấn phức tạp có thể kể đến như, một người lớn lên trong một gia đình thường xuyên xung đột, bị lạm dụng cả về thể chất lẫn tinh thần, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ ổn định và dễ trải qua cảm giác lo âu cùng thiếu tự tin trong cuộc sống.
Sang chấn thứ cấp (Secondary Trauma)
Khác với các dạng sang chấn trực tiếp kể trên, sang chấn thứ cấp là một dạng sang chấn gián tiếp, xảy ra khi ai đó lắng nghe những chia sẻ về những trải nghiệm đau thương của một người khác (Pellegrini et al., 2022). Theo Leonard (2020), các thành viên trong gia đình, chuyên gia sức khỏe tâm thần và những người chăm sóc trực tiếp cho những người đã trải qua sự kiện đau thương là những đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sang chấn thứ cấp vì họ dễ bị tác động bởi sự căng thẳng và nỗi đau mà người khác chia sẻ.
Nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý
Dựa theo định nghĩa về sang chấn tâm lý, về cơ bản, bất kỳ sự kiện hay trải nghiệm nào mà một cá nhân cảm thấy nặng nề và căng thẳng cực độ đều có thể được coi là nguyên nhân gây ra sang chấn tâm lý (Tull, 2023). Tuy vậy, cách thức mỗi người tiếp nhận và đối diện với những trải nghiệm ấy là khác nhau, và không phải ai cũng có những phản ứng giống nhau với cùng một sự kiện (Leonard, 2020; Bence, 2024). Nói cách khác, những trải nghiệm mà một người cảm thấy gây sang chấn và đau khổ có thể không có tác động tương tự đối với một người khác.
Ví dụ, một vụ va chạm xe hơi để lại thương tích nhẹ có thể khiến một người tự lái xe về nhà từ bệnh viện, trong khi người khác có thể không muốn bước vào xe trong nhiều tuần (Ewen, 2024).
Cũng theo Ewen (2024), những trải nghiệm gây sang chấn có thể được chia thành hai loại dựa theo tính chất chủ quan và khách quan. Các yếu tố khách quan là những sự kiện gây ra sang chấn mà cá nhân không thể tự kiểm soát, như tai nạn giao thông, bạo lực, lạm dụng, thiên tai, hoặc sự ra đi đột ngột của người thân. Yếu tố chủ quan bao gồm cách mà cá nhân nhìn nhận và trải qua những sự kiện ấy.
Việc hiểu rõ các yếu tố này không chỉ giúp xác định nguy cơ sang chấn tâm lý mà còn hướng tới việc xây dựng các phương pháp điều trị phù hợp cho từng cá nhân, từ đó hỗ trợ họ vượt qua những trải nghiệm đau thương một cách hiệu quả hơn.
Dấu hiệu và triệu chứng của sang chấn tâm lý
Theo Olivine (2024), các triệu chứng của sang chấn tâm lý có thể biểu hiện qua cả cảm xúc và thể chất. Các triệu chứng về tâm lý là những phản ứng cảm xúc với sang chấn, với một số biểu hiện điển hình như: sợ hãi, lo âu, bất lực, tránh né, tức giận, thay đổi tâm trạng thất thường, mất động lực, cảm giác tội lỗi hoặc xấu hổ (Voyles, 2022; Olivine, 2024). Người gặp sang chấn có thể xuất hiện bất kỳ hoặc là sự kết hợp của các biểu hiện kể trên. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (n.d.), những phản ứng cảm xúc này có thể dẫn tới những cảm giác mãnh liệt ảnh hưởng đến thái độ, hành vi, khả năng hoạt động, và cách nhìn nhận của một cá nhân về thế giới.
Bên cạnh đó, theo Olivine (2024), người trải qua sang chấn tâm lý có thể xuất hiện những triệu chứng thể chất sau: nhịp tim tăng, đau nhức cơ thể, căng cơ, khó ngủ, thay đổi khẩu vị,… Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày và cần được chú ý để tìm kiếm sự hỗ trợ phù hợp.
Hậu quả của sang chấn tâm lý nếu không được điều trị
Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (1994), khi các triệu chứng sang chấn kéo dài quá 30 ngày, hoặc xuất hiện lần đầu sau sáu tháng, cá nhân có thể mắc phải tình trạng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời, sang chấn tâm lý có thể để lại những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng trên nhiều khía cạnh cuộc sống của cá nhân. Cá nhân có thể gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất, tinh thần, cũng như gặp khó khăn trong môi trường làm việc cũng như việc xây dựng các mối quan hệ xã hội lành mạnh và bền vững.
Theo Flannery (2001), việc tiếp xúc với sang chấn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của cá nhân, ngay cả khi PTSD chưa hình thành. Các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa sang chấn tâm lý với bệnh tim, nguy cơ phơi nhiễm HIV, béo phì, rối loạn giấc ngủ (Allers et al., 1993; Dobson et al., 1991; Maddi et al., 1997). Nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa sang chấn tâm lý và sức khỏe tinh thần, với các vấn đề thường gặp như trạng thái lo âu (bao gồm PTSD), trạng thái trầm cảm, rối loạn sử dụng chất kích thích và hành vi bạo lực (Flannery, 2001).
Trong môi trường làm việc, những người trải qua sang chấn dễ gặp khó khăn trong việc duy trì hành vi làm việc phù hợp, giảm hiệu suất làm việc, giảm mức độ cam kết với tổ chức, kiệt sức, và có xu hướng nghỉ việc cao hơn đáng kể so với những người chưa trải qua sang chấn (Thau & Mitchell, 2010; Voyles, 2022). Thêm vào đó, các mối quan hệ xã hội cũng có thể bị tổn hại, khi cá nhân có xu hướng tách mình ra khỏi bạn bè và gia đình, dẫn đến sự cô lập và thiếu hỗ trợ xã hội (Stain et al., 2014).
Sự kết hợp của những yếu tố này không chỉ làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn, khiến cá nhân khó có thể phục hồi và tái hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Do đó, việc phát hiện và điều trị sang chấn tâm lý một cách kịp thời là vô cùng quan trọng để ngăn chặn những hậu quả lâu dài này.
Các phương pháp phục hồi hậu sang chấn tâm lý
Có rất nhiều phương pháp khác nhau trong việc điều trị và phục hồi sau sang chấn tâm lý. Trong đó, tâm lý trị liệu hay liệu pháp trò chuyện là phương pháp trị liệu chính. Hai trong số những liệu pháp hiệu quả và được ứng dụng rộng rãi là liệu pháp nhận thức hành vi tập trung vào sang chấn (TF-CBT) và liệu pháp giải mẫn cảm chuyển động nhãn cầu (EMDR) (Seidler & Wagner, 2006; Ehlers & Clark, 2008; Kendall-Tackett, 2009; Olivine, 2024).
Liệu pháp TF-CBT kết hợp giữa việc dạy trẻ em và thanh thiếu niên cách xử lý cảm xúc và cải thiện sức khỏe tâm lý, đồng thời trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết cho phụ huynh để hỗ trợ con cái tốt hơn (Lang et al., 2010; Webb et al., 2014; Mavranezouli et al., 2020). Liệu pháp EMDR tập trung vào việc giúp người bệnh tái cấu trúc những ký ức đau thương, giảm các triệu chứng sang chấn, và hỗ trợ sự phục hồi tâm lý (Gelinas, 2003; Wilson et al., 2018; Farrell et al., 2020).
Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc PTSD, họ thường được kê thêm các loại thuốc trong quá trình điều trị. Tuy thuốc không thể chữa trị hoàn toàn sang chấn hay PTSD, sự can thiệp của thuốc có thể hỗ trợ người bệnh kiểm soát các triệu chứng như lo âu, trầm cảm và rối loạn giấc ngủ (Leonard, 2020; Olivine, 2024).
Bên cạnh sự hỗ trợ của các chuyên gia, còn rất nhiều các phương pháp có thể hỗ trợ cá nhân đối phó và vượt qua sang chấn. Trò chuyện và dành thời gian với những người bạn cũng như các thành viên trong gia đình, hay tham gia những nhóm hỗ trợ dành riêng cho những người đã trải qua sang chấn cũng có thể hỗ trợ quá trình phục hồi hiệu quả hơn (Olivine, 2024). Người trải qua sang chấn nên chú ý duy trì lối sinh hoạt lành mạnh, bao gồm ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động chánh niệm để giải tỏa căng thẳng, cũng như duy trì chất lượng giấc ngủ (Leonard, 2020).
Mỗi người có thể phản ứng khác nhau với sự kiện sang chấn và các phương pháp điều trị. Do đó việc lựa chọn phương pháp phù hợp với từng cá nhân điều cần thiết để đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị và phục hồi sau sang chấn. Thêm vào đó, cá nhân cần tránh các cơ chế đối phó tiêu cực như làm việc quá độ để tránh né nỗi đau hoặc sử dụng rượu và các chất kích thích (U.S. Department of Veterans Affairs, n.d.).
Tài liệu tham khảo
Allers, C. T., Benjack, K. J., White, J., & Rousey, J. T. (1993). HIV vulnerability and the adult survivor of childhood sexual abuse. Child Abuse & Neglect, 17(2), 291–298. doi.org/10.1016/0145-2134(93)90048-A
American Psychiatric Association. (1994). Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders. 4th Ed. (DSM-IV) Washington, DC.
American Psychological Association. (n.d.). Trauma.
Bence, S. (2024). The difference between acute and chronic trauma. Verywell Health.
Bryant, R. A., & Harvey, A. G. (1997). Acute stress disorder: A critical review of diagnostic issues. Clinical Psychology Review, 17(7), 757–773. doi.org/10.1016/S0272-7358(97)00052-4