Rối loạn tâm lý

Rối loạn tâm lý: Phân loại, nguyên nhân và các phương pháp điều trị

Rối loạn Tâm lý có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe, cuộc sống và các mối quan hệ của người mắc. Từ góc độ sức khỏe, những rối loạn này có thể dẫn đến các vấn đề thể chất như bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề tiêu hóa do căng thẳng kéo dài (Pietromonaco và Collins, 2017). Cuộc sống hàng ngày của người mắc chứng rối loạn Tâm lý có thể bị xáo trộn, dẫn đến khó khăn trong công việc, học tập và các hoạt động thường nhật (APA, 2013). Các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng; khi các cá nhân mắc rối loạn Tâm lý dễ gặp phải khó khăn trong giao tiếp và tạo dựng các mối quan hệ bền vững (Pearce và cộng sự, 2023).

Các rối loạn Tâm lý phổ biến

Rối loạn tâm trạng (Mood disorders)

Thuật ngữ rối loạn tâm trạng dùng để chỉ một nhóm các vấn đề Tâm lý có ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái cảm xúc của cá nhân (Burford, 2024; Gillette, 2021). Rối loạn tâm trạng được chia thành hai nhóm chính: rối loạn trầm cảm và rối loạn lưỡng cực, với mỗi nhóm bao gồm các nhóm phụ và các mức độ nghiêm trọng khác nhau (APA, 2013; Ellis, 2020).

Rối loạn tâm trạng
Rối loạn tâm trạng (Mood disorders)

Rối loạn trầm cảm, thường được biết đến với tên gọi trầm cảm, là một chứng rối loạn tâm trạng phổ biến (DiMaria, 2023). Theo thống kê từ Statista (2024b), ước tính khoảng 4% dân số trên thế giới (tức khoảng hơn 315 triệu người) mắc chứng trầm cảm trong năm 2021. Các triệu chứng chính của trầm cảm bao gồm suy nhược, từ chối tham gia các hoạt động, khó tập trung, nhạy cảm với nhiều cảm giác khó chịu (Simon, 2003). Bên cạnh đó, trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã kéo dài, mất niềm vui và sự quan tâm đối với các hoạt động trước đây, kèm theo nhiều triệu chứng khác như khó ngủ, thay đổi khẩu vị, và mệt mỏi (Gupta, 2023).

Trầm cảm khác với những thay đổi cảm xúc thông thường, như buồn bã (Guy-Evans, 2023b), cũng như những phản ứng cảm xúc tức thời trước những sự kiện xảy ra trong đời sống hàng ngày. Theo Owens (2024), chính sự không chắc chắn khi nào cơn trầm cảm sẽ tới cũng như nó sẽ kéo dài trong bao lâu là điều khiến nó trở nên đặc biệt đáng sợ. Theo WHO (2022b), trong một cơn trầm cảm, người bệnh cảm thấy buồn bã, cáu k, trống rỗng, hoặc mất hứng thú với nhiều hoạt động. Tình trạng này chiếm hầu hết thời gian trong ngày, xảy ra gần như mỗi ngày, kéo dài trong ít nhất hai tuần. Nhiều triệu chứng khác cũng có thể xuất hiện, bao gồm khó khăn trong việc tập trung, cảm giác tội lỗi quá mức hoặc tự ti, tuyệt vọng về tương lai, suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát, rối loạn giấc ngủ, thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, và cảm thấy đặc biệt mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng (Ellis, 2020; WHO, 2022b).

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-b), rối loạn lưỡng cực là tình trạng sức khỏe Tâm lý đặc trưng bởi những trạng thái cảm xúc dữ dội, diễn ra theo giai đoạn, ảnh hưởng đến tâm trạng, năng lượng và khả năng hoạt động của một người. Những giai đoạn này kéo dài từ vài ngày đến vài tuần, được gọi là các “đợt dao động tâm trạng”. Các đợt dao động tâm trạng được chia thành các giai đoạn hưng cảm/ hưng cảm nhẹ, khi cá nhân cảm thấy vui vẻ hoặc cáu kỉnh quá độ; và các giai đoạn trầm cảm, khi cá nhân cảm thấy buồn bã hoặc mất khả năng cảm nhận niềm vui. Theo Newman và French (2023), trong giai đoạn hưng phấn, cá nhân thường có những quyết định bốc đồng và hành động thiếu suy nghĩ, chẳng hạn như chi tiêu quá mức, sử dụng chất kích thích, hoặc thực hiện những hành vi rủi ro.

Ngược lại, khi rơi vào trạng thái trầm cảm, họ có thể cảm thấy chán chường, thay đổi giấc ngủ, mất hứng thú trong các hoạt động, tuyệt vọng và nhìn nhận cuộc sống một cách tiêu cực. Sự dao động này không chỉ gây khó khăn cho chính họ mà còn tác động lớn đến mối quan hệ với gia đình và bạn bè, làm gia tăng khoảng cách xã hội và khó khăn trong việc duy trì công việc ổn định. Người mắc rối loạn lưỡng cực cũng trải qua những giai đoạn tâm trạng bình thường, khi ấy tâm trạng của họ có thể bình thường, không có những thay đổi cảm xúc cực đoan.

Cũng theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-b), những người không mắc chứng rối loạn lưỡng cực cũng có thể có tâm trạng lên xuống thất thường, tuy nhiên những thay đổi tâm trạng thuộc về trải nghiệm sống thường ngày thường chỉ kéo dài trong vài giờ thay vì vài ngày, và không đi kèm với những thay đổi cực đoan về hành vi hay sự thay đổi trong khả năng hoạt động, như gặp khó khăn trong các thói quen hàng ngày và các mối quan hệ xã hội. Trong khi đó, rối loạn lưỡng cực có thể làm gián đoạn các mối quan hệ của một người với người thân và gây khó khăn trong công việc hoặc học tập. Rối loạn lưỡng cực được chia thành 3 loại chính:

  • Rối loạn lưỡng cực I được xác định bởi ít nhất một đợt hưng cảm (mania) nghiêm trọng kéo dài ít nhất 1 tuần (gần như suốt cả ngày trong hầu hết các ngày), hoặc các triệu chứng hưng cảm nghiêm trọng đến mức cần phải chăm sóc y tế ngay lập tức. Cá nhân trong giai đoạn rối loạn lưỡng cực I cũng có thể trải qua một đợt trầm cảm nghiêm trọng. Các triệu chứng đặc trưng của đợt hưng cảm (mania) bao gồm cảm giác phấn chấn quá độ, tràn đầy năng lượng, và bồn chồn, kèm theo tình trạng khó ngủ (mất ngủ) và những hành vi mạo hiểm, thiếu kiềm chế. Trong giai đoạn này, cá nhân có thể có cảm giác “siêu năng lực,” tin rằng họ có thể làm bất cứ điều gì mà không gặp phải khó khăn. Họ thường có những quyết định bốc đồng và hành động thiếu suy nghĩ, chẳng hạn như chi tiêu quá mức, tham gia vào các mối quan hệ nguy hiểm, hoặc thực hiện những hành vi rủi ro mà bình thường họ sẽ không làm.
  • Rối loạn lưỡng cực II bao gồm những đợt dao động giữa một đợt trầm cảm nghiêm trọng kéo dài ít nhất 2 tuần và một cơn hưng cảm nhẹ. Các đợt hưng cảm nhẹ trong rối loạn lưỡng cực II kém nghiêm trọng hơn so với các đợt hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực I.
  • Rối loạn tâm thần chu kỳ (Cyclothymia) đặc trưng bởi những đợt dao động tâm trạng giữa trầm cảm nhẹ và hưng cảm nhẹ, kéo dài ít nhất 2 năm (1 năm đối với trẻ em). Người mắc rối loạn tâm thần chu kỳ có tâm trạng lên xuống thất thường, nhưng các triệu chứng nhẹ hơn rối loạn lưỡng cực I và II.

Rối loạn lo âu (Anxiety disorders)

Đôi khi chúng ta có thể cảm thấy lo lắng về một điều gì đó. Theo Martis (2024), lo lắng thường đóng vai trò như một cơ chế thích nghi, báo hiệu sự thay đổi có thể gây hại đến từ bên trong hoặc bên ngoài, từ đó giúp cá nhân tránh được nguy hiểm hoặc đối phó với căng thẳng. Tuy nhiên, cũng theo Martis (2024), khi sự lo lắng xuất hiện gần như không vì lý do cụ thể nào, hoặc cá nhân có những phản ứng lo lắng quá mức trước những tình huống bình thường, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của chính mình, đó có thể là dấu hiệu của chứng rối loạn lo âu.

Thống kê từ Statista (2024a) cho thấy, trong năm 2021, khoảng 4.4% dân số thế giới (tức khoảng hơn 347 triệu người) mắc chứng rối loạn lo âu. Cẩm nang DSM-5 chia rối loạn Tâm lý thành 7 dạng chính, gồm: rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn hoảng sợ, ám sợ chuyên biệt, ám ảnh sợ khoảng trống, rối loạn lo âu xã hội, rối loạn lo âu chia tách và chứng không  chọn lọc (APA, 2013).

Rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu (Anxiety disorders)

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-a), rối loạn lo âu lan tỏa (Generalized anxiety disorder, hay GAD) đặc trưng bởi những lo lắng thái quá, kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày. Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ [NIMH], n.d.-b), cảm giác lo âu trong GAD không phải là phản ứng tạm thời đối với một sự kiện căng thẳng, mà là trạng thái lo lắng liên tục, kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Người mắc chứng rối loạn này gặp khó khăn trong việc kiểm soát sự lo lắng của bản thân (Kelly, 2023b), với những nỗi lo luôn thường trực và liên tục đổi từ điều này sang điều khác (Jones, 2024). Họ luôn cảm thấy không thoải mái, lo lắng hoặc có cảm giác như điều gì tồi tệ sắp xảy ra mà không rõ nguyên nhân (Guy-Evans, 2023a).

Ví dụ, khi thấy con mình đi học về muộn hơn bình thường đôi chút, người mẹ có thể chỉ nghĩ rằng có thể con bị trễ vì một lý do nào đó, rồi tiếp tục làm việc khác. Trong khi đó, một người mẹ mắc chứng GAD có thể bắt đầu lo lắng rằng con gặp phải tai nạn, bị lạc đường, hoặc đang gặp phải vấn đề gì đó nghiêm trọng, và sẽ liên tục gọi điện, gửi tin nhắn hoặc đi tìm con. Cũng theo Jones (2024), thông thường, chính người người mắc GAD cũng nhận thức được rằng nỗi lo của mình là phi lý, nhưng họ không thể kiểm soát được chúng.

Vì những nỗi lo này không dựa trên thực tế, nên việc giải quyết bằng lý trí hay sự trấn an đơn giản thường không đủ để làm dịu đi cảm giác lo lắng. GAD có thể gây kiệt quệ cả về tinh thần lẫn thể chất. Nó ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh trong cuộc sống của người mắc và có thể tạo ra cảm giác quá tải. Các triệu chứng của GAD bao gồm: cảm thấy bồn chồn, căng thẳng hoặc khó chịu, nhịp tim tăng nhanh, đổ mồ hôi, dễ mệt mỏi, cáu kỉnh, khó tập trung, khó kiểm soát cảm giác lo lắng, các vấn đề về giấc ngủ, đau đầu, đau cơ, đau bụng và các cơn đau không rõ nguyên nhân (Jones, 2024; NIMH, n.d.-b).

Rối loạn hoảng sợ (Panic disorder) là một dạng rối loạn lo âu, đặc trưng bởi những cơn hoảng sợ dữ dội, tái phát và không lường trước được (APA, 2013). Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (2022), cứ khoảng 75 người lại có 1 người mắc chứng rối loạn hoảng sợ. Chứng rối loạn này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên các triệu chứng thường bắt đầu vào cuối tuổi vị thành niên hoặc đầu tuổi trưởng thành và phụ nữ có nguy cơ gặp tình trạng này gấp hai lần so với nam giới. Theo Cherry (2023), một người mắc rối loạn hoảng sợ có thể trải qua các triệu chứng như cảm giác hoảng sợ dữ dội, thở gấp, và nhịp tim nhanh.

Những người bị rối loạn hoảng sợ có thể gặp phải những cơn hoảng sợ này một cách bất ngờ và không có lý do rõ ràng, nhưng đôi khi chúng có thể được kích hoạt bởi một sự kiện hoặc tình huống nhất định. Ví dụ, một người có thể bất ngờ trải qua cơn hoảng sợ khi đi siêu thị, cảm thấy tim đập mạnh và khó thở, từ đó bắt đầu tránh xa những nơi đông đúc vì lo ngại rằng cơn hoảng sợ sẽ tái diễn, dẫn đến việc hạn chế giao tiếp xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống.

Theo Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Hoa Kỳ [ADAA], (n.d.-b), những người mắc chứng rối loạn hoảng sợ có thể trải qua một vài hoặc tất cả các triệu chứng sau: đau ngực, chóng mặt, cảm giác sợ hãi tột độ một cách đột ngột, tê liệt tay chân, tim đập mạnh, thở nhanh, đổ mồ hôi, run rẩy, yếu sức. Rối loạn hoảng loạn có thể gây nên những xáo trộn nghiêm trọng trong sinh hoạt hàng ngày, khiến việc ứng phó với các tình huống bình thường trở nên khó khăn, vì chúng có thể gây ra cảm giác hoảng loạn và lo âu dữ dội với người mắc (Cherry, 2023).

Khác với những dạng lo âu khác, đặc trưng với những nỗi lo trừu tượng và không cụ thể, chứng ám ảnh sợ chuyên biệt (Specific phobia) đặc trưng bởi sự sợ hãi tột độ, không kiểm soát được, và kéo dài đối với một đối tượng, tình huống hoặc động vật cụ thể (Felman, 2024; Guy-Evans, 2023a). Thống kê từ ADAA (n.d.-a) cho thấy, tỷ lệ mắc chứng ám sợ chuyên biệt ở nữ giới cao gấp hai lần so với nam giới, và khoảng 75% người mắc chứng này có nhiều hơn 1 ám sợ. Mặc dù các vật thể và tình huống này thường ít, hay thậm chí không gây nguy hiểm, và cá nhân có thể nhận thức được rằng nỗi sợ của mình là thái quá, nhưng họ lại cảm thấy bất lực và không thể vượt qua được mỗi khi đối diện với các tác nhân kích thích ấy (Felman, 2024). V

iệc tiếp xúc với đối tượng hoặc tình huống gây ám sợ có thể tạo ra lo âu nghiêm trọng và thậm chí kích hoạt các cơn hoảng loạn (Guy-Evans, 2023a). Vì vậy, những người mắc ám sợ thường tìm cách tránh xa đối tượng gây sợ hãi càng nhiều càng tốt. Theo Eaton và cộng sự (2018), chứng ám sợ chuyên biệt được chia thành 5 loại:

  • Ám ảnh sợ tự nhiên/môi trường: bao gồm những ám sợ liên quan đến thiên nhiên, thời tiết và các hiện tượng tự nhiên hay tình huống liên quan đến môi trường, ví dụ như nỗi sợ sấm sét (astraphobia) hoặc nước (aquaphobia).
  • Ám ảnh sợ tổn thương: liên quan đến nỗi sợ bị tổn thương hoặc thương tích, ví dụ như nỗi sợ nha sĩ (dentophobia) hoặc tiêm chích (trypanophobia).
  • Ám ảnh sợ động vật: Những nỗi sợ này xoay quanh động vật hoặc côn trùng, bao gồm nỗi sợ chó (cynophobia), rắn (ophidiophobia), hoặc côn trùng (entomophobia).
  • Ám ảnh sợ tình huống: xuất phát từ những tình huống cụ thể, ví dụ bao gồm nỗi sợ tắm (ablutophobia) hoặc không gian chật hẹp (claustrophobia).
  • Những ám sợ khác: Những nỗi sợ không thuộc các loại trên sẽ được xếp vào nhóm này. Ví dụ như sợ búp bê, sợ ói hoặc sợ tiếng ồn lớn.

Ám ảnh sợ khoảng trống (Agoraphobia) là một chứng rối loạn lo âu đặc trưng bởi nỗi sợ bị mắc kẹt trong một địa điểm, sự kiện hay tình huống khó trốn thoát; hoặc không nhận được sự giúp đỡ trong những tình huống khẩn cấp (Felman, 2024). Ám ảnh sợ khoảng trống đôi khi bị nhầm lẫn với nỗi sợ phải rời khỏi nhà (Star, 2022). Trên thực tế, nó phức tạp hơn thế. Chứng rối loạn này đặc trưng bởi nỗi lo âu khiến người mắc có xu hướng tránh những tình huống cũng như những nơi làm họ cảm thấy hoảng sợ, bất lực, bị mắc kẹt, hoặc xấu hổ (Kelly, 2023b; Star, 2022).

Cá nhân với chứng ám sợ khoảng trống thường trải qua nỗi sợ cực độ với hai (hoặc nhiều hơn) trong năm tình huống sau: khi sử dụng phương tiện công cộng, khi ở trong không gian mở, khi ở không gian kín, khi xếp hàng hoặc ở nơi đông người, hay những khi đứng một mình bên ngoài nhà của mình (NIMH, n.d.-a).

Theo Star (2022), khi buộc phải đối mặt với một tình huống mà họ sợ hãi, người mắc chứng rối loạn này có thể trải qua một cơn hoảng loạn, gây ra các triệu chứng như: đau ngực, cảm giác ớn lạnh, tiêu chảy, chóng mặt, nhịp tim tăng nhanh, đổ mồ hôi,… Cũng theo Star (2022), nỗi ám sợ này thường dẫn tới những hành vi né tránh kéo dài, trong đó người bệnh bắt đầu tránh xa những nơi và tình huống mà họ lo sợ sẽ xảy ra cơn hoảng loạn. Trong một số trường hợp, nỗi ám sợ có thể trầm trọng tới mức khiến người mắc tự giam mình trong nhà (Kelly, 2023b).

Rối loạn lo âu xã hội (Social anxiety disorder) là tình trạng mà cá nhân cảm thấy sợ hãi tột độ về việc bị xét đoán hoặc chỉ trích bởi người khác trong các tương tác xã hội (Felman, 2024). Theo Kelly (2023b), người gặp tình trạng này luôn có cảm giác rằng người khác đang xét nét, đánh giá từng hành động mà họ làm. Họ có thể rất khắc nghiệt với bản thân và trải qua những triệu chứng của nỗi sợ (cả về thể chất và tinh thần) trong các tình huống xã hội, điển hình như: run rẩy, tim đập nhanh, khó chịu ở dạ dày và cảm giác lo sợ. Những triệu chứng này thường khiến người bệnh tránh xa các tình huống xã hội bất cứ khi nào có thể.

Ví dụ, một học sinh trải qua rối loạn lo âu xã hội sẽ cảm thấy lo lắng tột cùng khi phải phát biểu trước lớp, sợ rằng mình sẽ bị cười nhạo hoặc chỉ trích, từ đó dẫn đến việc học sinh đó từ chối tham gia tất cả các hoạt động nhóm. Điều này làm giảm cơ hội kết nối và phát triển mối quan hệ xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của học sinh đó.

Rối loạn lo âu chia tách (Separation anxiety disorder) là một chứng rối loạn đặc trưng bởi sự lo lắng và sợ hãi quá mức của cá nhân khi phải xa cách với những người mà họ gắn bó mật thiết (Nall, 2023), hoặc một nơi mà họ cảm thấy an toàn (Felman, 2024). Chứng rối loạn này thường gặp ở trẻ em (Kearney và cộng sự, 2003; Kossowsky và cộng sự; 2012), tuy nhiên nhiều nghiên cứu chỉ ra nó có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi (Manicavasagar và cộng sự, 2010; Bögels và cộng sự, 2013; Feriante và cộng sự, 2023).

Theo Fritscher (2023), lo âu xa cách (separation anxiety) trong giai đoạn phát triển được coi là hoàn toàn bình thường cho đối với trẻ từ 8 tới 14 tháng. Đây được coi là phản ứng thích nghi tự nhiên giúp trẻ sơ sinh và trẻ đang tập đi có được sự an toàn trong quá trình phát triển khả năng đối phó với môi trường xung quanh. Khác với phản ứng thích nghi này, rối loạn lo âu chia tách là một chứng rối loạn Tâm lý cụ thể.

Thêm vào đó, theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d-a), cảm giác lo âu này vượt quá mức độ phù hợp với độ tuổi của người bệnh và kéo dài liên tục (ít nhất bốn tuần ở trẻ em và sáu tháng ở người lớn), cũng như gây ra khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Người mắc rối loạn lo âu chia ly có thể lo lắng thường xuyên về việc mất đi người thân thiết nhất, miễn cưỡng hoặc từ chối ra ngoài, ngủ xa nhà hoặc không có người đó bên cạnh, hoặc có thể gặp ác mộng về sự chia ly.

Các triệu chứng thể chất của lo âu thường xuất hiện ở trẻ em, nhưng có thể tiếp tục kéo dài đến tuổi trưởng thành. Rối loạn này không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi mà còn tác động đến suy nghĩ và các mối quan hệ của người bệnh, khiến họ cảm thấy lo lắng về sự an toàn của người thân và khó khăn trong việc tự lập.

Theo Villines (2021), chứng không nói chọn lọc (Selective mutism) là tình trạng mà người mắc có thể nói chuyện trong một số tình huống nhưng lại không thể nói trong những tình huống khác. Người mắc chứng rối loạn này có khả năng nói chuyện, nhưng họ cảm thấy điều đó rất khó khăn do tác động của lo âu. Chứng không nói chọn lọc thường phổ biến ở trẻ em (Kelly, 2023b). Trẻ mắc chứng này sẽ thường cảm thấy lo âu, xấu hổ hoặc sợ hãi, khiến trẻ không thể nói chuyện trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như khi ở trường hoặc xung quanh người lạ.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-a), việc thiếu khả năng nói có thể gây cản trở giao tiếp xã hội, mặc dù trẻ mắc rối loạn này đôi khi sử dụng các phương thức giao tiếp không lời (nói ậm ừ, chỉ tay, viết). Sự thiếu giao tiếp bằng lời nói cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tại trường học, dẫn đến các vấn đề học tập và sự cô lập xã hội. Nhiều trẻ cũng trải qua sự e thẹn quá mức, sợ xấu hổ khi giao tiếp xã hội và lo âu xã hội cao.

Rối loạn câm chọn lọc thường bắt xảy ra khi trẻ dưới 5 tuổi, nhưng có thể không được chẩn đoán chính thức cho đến khi trẻ vào trường. Nhiều trẻ sẽ tự vượt qua được chứng rối loạn này. Đối với những trẻ có cả rối loạn lo âu xã hội, rối loạn câm chọn lọc có thể biến mất, nhưng các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội có thể vẫn còn. Trong một số trường hợp, chứng rối loạn này có thể kéo dài tới tuổi trưởng thành (Villines, 2021).

Tâm thần phân liệt (Schizophrenia)

Tâm thần phân liệt là một tình trạng tâm thần mạn tính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của một người (Cherry, 2023).

Tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt (Schizophrenia)

Số liệu từ WHO (2022a) cho thấy, ước tính khoảng 24 triệu người trên thế giới mắc chứng tâm thần phân liệt. Cá nhân mắc chứng tâm thần phân liệt có thể cảm thấy như họ bị mất kết nối với thực tại và xuất hiện hoang tưởng, ảo giác cũng như rối loạn trong suy nghĩ và hành vi (Herndon, 2024). Tâm thần phân liệt bao gồm các triệu chứng dương tính, và các triệu chứng âm tính. Cụ thể, theo Preda (2022), các triệu chứng dương tính là những hành vi xuất hiện một cách dư thừa ở những người mắc bệnh tâm thần phân liệt và thường không có ở những người có trạng thái sức khỏe tinh thần tốt. Những triệu chứng này bao gồm ảo giác, hoang tưởng, suy nghĩ rối loạn và các hành vi không bình thường khác (Preda, 2024).

Mặt khác, cũng theo Preda (2022), các triệu chứng âm tính là những hành vi hoặc cảm xúc vốn có ở người khoẻ mạnh, nhưng bị thiếu hụt hoặc mất đi ở người mắc chứng tâm thần phân liệt. Các triệu chứng âm tính bao gồm thiếu động lực, mất hứng thú với các hoạt động hàng ngày, từ chối các tương tác xã hội, gặp khó khăn trong việc thể hiện cảm xúc, và trong việc thực hiện các chức năng bình thường (NIMH, n.d.-f). Theo Cherry (2023), cá nhân có sự suy giảm đáng kể trong chức năng xã hội hoặc nghề nghiệp trong ít nhất sáu tháng có thể được chẩn đoán là tâm thần phân liệt. Bệnh thường khởi phát vào cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi 20, với nam giới thường có triệu chứng xuất hiện sớm hơn phụ nữ.

Rối loạn ăn uống (Eating disorders)

Theo NIMH (n.d.-d), có một hiểu lầm phổ biến rằng rối loạn ăn uống là một lối sống mà cá nhân tự chọn. Trên thực tế, rối loạn ăn uống là những bệnh lý nghiêm trọng và thường có thể dẫn đến tử vong, liên quan đến sự rối loạn nghiêm trọng trong hành vi ăn uống cũng như những suy nghĩ và cảm xúc liên quan. Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-c), rối loạn ăn uống ảnh hưởng đến khoảng 5% dân số và thường phát triển trong giai đoạn tuổi thiếu niên và thành niên. Những rối loạn ăn uống phổ biến bao gồm chứng chán ăn tâm thần, chứng ăn ói, và rối loạn ăn uống vô độ (NIMH, n.d.-d).

Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống (Eating disorders)

Chán ăn tâm thần (anorexia nervosa) là một chứng rối loạn ăn uống nghiêm trọng, trong đó người bệnh kiểm soát nghiêm ngặt lượng thức ăn mình ăn, hoặc chỉ ăn rất ít một vài thực phẩm nhất định (NIMH, n.d.-d). Chứng rối loạn này thường xuất hiện với những người đang trong tuổi dậy thì hoặc vị thành niên, nhưng đôi khi nó cũng có thể khởi phát trước hoặc sau đó (Brazier, 2023). Thống kê cho thấy tỷ lệ phụ nữ mắc chứng chán ăn tâm thần cao gấp 10 lần so với nam giới (Loas và cộng sự, 2014). Tuy vậy, theo Brazier (2023), nam giới lại có nguy cơ chịu tác động nghiêm trọng hơn bởi chứng rối loạn này so với nữ giới. Điều này phần lớn là do nam giới thường được chẩn đoán muộn hơn, bởi những lầm tưởng hay quan niệm sai lầm rằng chứng rối loạn này chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ. Việc chẩn đoán muộn có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng và khó điều trị hơn (Brazier, 2023).

Theo Simkus (2023), người mắc chứng chán ăn tâm thần thường ám ảnh với việc kiểm soát cân nặng, hình thể. Người mắc chứng rối loạn này luôn cảm thấy cơ thể mình thừa cân, ngay cả khi họ đang bị thiếu cân nghiêm trọng. Điều này khiến họ tiếp tục ép bản thân giảm cân (Brazier, 2023; Simkus, 2023). Theo Charmley (2024), một người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể xuất hiện những hành vi như: ăn rất ít, tránh các thực phẩm giàu calo, hoặc bỏ bữa hoàn toàn; nói dối về lượng thức ăn họ ăn và cân nặng của mình; dùng thuốc để giảm cảm giác thèm ăn; kiểm tra cân nặng thường xuyên; tập thể dục quá độ. Theo NIMH (n.d.-d), chứng chán ăn tâm thần gồm hai nhóm phụ: rối loạn hạn chế và rối loạn ăn uống vô độ – bài trừ:

  • Kiểu rối loạn hạn chế (Restrictive subtype): người mắc rối loạn này thường hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn cũng như loại thức ăn mà họ nạp vào cơ thể trong từng bữa.
  • Kiểu rối loạn ăn uống vô độ – bài trừ (Binge-purge subtype): người mắc cũng hạn chế nghiêm ngặt lượng và loại thức ăn. Ngoài ra, họ còn có những cơn ăn uống vô độ và tẩy chay. Cụ thể, họ sẽ ăn một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, sau đó gây nôn mửa hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng hoặc thuốc lợi tiểu để loại bỏ thức ăn đã ăn vào.

Chứng ăn ói (bulimia nervosa) đặc trưng bởi những đợt ăn uống vô độ, khi cá nhân nạp vào một cách mất kiểm soát một lượng lớn thức ăn trong thời gian ngắn, đi kèm với các hành vi bù đắp (compensatory behaviors) để “bù” vào lượng calo đã tiêu thụ, như gây nôn mửa, nhịn ăn, tập thể dục quá mức (APA, 2013; Brazier, 2021; Muhlheim, 2023). Theo West (2024), điểm khác biệt giữa chứng ăn ói và kiểu rối loạn ăn uống vô độ – tẩy chay của chứng chán ăn tâm thần nằm ở việc hạn chế nghiêm ngặt lượng thức ăn tiêu thụ. Khác với cá nhân mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ – tẩy chay, người mắc chứng ăn ói thường không hạn chế lượng thức ăn mà họ được phép ăn, nếu có thì cũng không cực đoan như vậy.

Rối loạn ăn vô độ (binge eating disorder) là một tình trạng rối loạn ăn uống, đặc trưng bởi việc tiêu thụ một lượng thức ăn nhiều hơn bình thường trong thời gian ngắn, ngay cả khi người đó đang không đói (Scott, 2023). Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-c), giống với chứng ăn ói, những người mắc chứng rối loạn ăn uống vô độ cũng trải qua những cơn ăn uống vô độ cũng như cảm thấy mất kiểm soát lượng thức ăn tiêu thụ và cảm thấy xấu hổ, tội lỗi sau khi ăn. Tuy nhiên, người mắc chứng rối loạn ăn vô độ không có các hành vi bù đắp để loại bỏ thức ăn khỏi cơ thể như ép nôn, nhịn ăn, tập thể dục quá mức hoặc lạm dụng thuốc nhuận tràng (Mandl, 2023).

Cũng theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-c), rối loạn ăn vô độ có thể dẫn đến các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm béo phì, tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh tim mạch. Cá nhân được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn vô độ cần khi thường xuyên trải qua các cơn ăn uống vô độ (ít nhất một lần mỗi tuần trong ba tháng), đi kèm với cảm giác mất kiểm soát và ít nhất ba trong số những đặc điểm sau: ăn nhanh hơn bình thường, ăn không ngừng cho đến khi quá no đến mức khó chịu, nạp một lượng lớn thức ăn ngay cả khi không cảm thấy đói, ăn một mình vì cảm thấy xấu hổ về lượng thức ăn đã tiêu thụ, cảm thấy tự ghê tởm, trầm cảm hoặc thấy có lỗi sau một cơn ăn uống vô độ.

Hội chứng Pica là một dạng rối loạn ăn uống đặc biệt, trong đó người mắc có liên tục ăn những thứ không phải đồ ăn hoặc không có chất dinh dưỡng như giấy, nhựa, vải, đất, sơn, tóc, đá, xà phòng (Leung và Hon, 2019; Muhlheim, 2024). Cần phân biệt hội chứng Pica với việc cá nhân có sở thích ăn những thứ như bột ngô, gạo hay mì sống (có giá trị dinh dưỡng), hay nhai đá lạnh trong đồ uống (Muhlheim, 2024). Những thứ này dù không phải là món ăn thông thường nhưng lại có giá trị dinh dưỡng nhất định và không gây hại nếu ăn trong một mức độ hợp lý. Theo Holm (2023), hội chứng Pica có thể khởi phát với bất cứ ai, nhưng thường gặp ở trẻ em và phụ nữ mang thai, cũng như những người gặp rối loạn phát triển trí tuệ. Triệu chứng chính của hội chứng Pica là liên tục ăn những thứ không phải đồ ăn (Villines, 2019). Hội chứng Pica có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như ngộ độc, đau bụng, nghẹt thở, tắc nghẽn đường tiêu hoá (Muhlheim, 2024; Villines).

Rối loạn sử dụng chất kích thích (Substance use disorders)

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-e), rối loạn sử dụng chất kích thích là một tình trạng phức tạp, trong đó người mắc không thể kiểm soát việc sử dụng một chất kích thích nào đó mặc dù nó để lại những hậu quả nghiêm trọng. Người mắc chứng rối loạn này thường sử dụng một hoặc nhiều chất kích thích, chẳng hạn như rượu, thuốc lá, hoặc các chất kích thích thần kinh khác, đến mức khả năng sinh hoạt hàng ngày của người đó bị suy giảm. Những người này có thể nhận thức được tình trạng của bản thân, những lại không thể ngưng sử dụng chất kích thích, ngay cả khi họ muốn và cố gắng làm điều đó.

Điều này là do việc ngưng sử dụng chất kích thích có thể gây ra các triệu chứng thèm thuốc và cơn thèm mạnh mẽ, khiến người bệnh tiếp tục sử dụng. Rối loạn sử dụng chất kích thích gây ra những thay đổi trong cấu trúc và chức năng của não – nguyên nhân khiến người bệnh có những cơn thèm thuốc mạnh mẽ, thay đổi về tính cách, cùng những hành vi bất thường khác.

Rối loạn sử dụng chất kích thích
Rối loạn sử dụng chất kích thích (Substance use disorders)

Nghiên cứu của Vasilenko và cộng sự (2017) chỉ ra rằng, tỷ lệ người mắc rối loạn sử dụng chất kích thích khá cao và thay đổi tùy theo từng quốc gia, cũng như từng loại chất kích thích (cao nhất là thuốc lá và rượu), cũng như các đặc điểm nhân khẩu học và xã hội của các nhóm dân cư. Nghiên cứu này cũng chỉ ra tỷ lệ rối loạn sử dụng chất kích thích ở nam giới cao hơn so với nữ giới, cũng như cao hơn ở nhóm những người trẻ tuổi, và giảm dần ở cả hai giới theo độ tuổi tăng dần.

Theo Christiansen (2024), các loại rối loạn sử dụng chất kích thích khác nhau có thể có những triệu chứng khác nhau. Tuy vậy, một số đặc điểm chung bao gồm thay đổi về tính cách hoặc thái độ; tăng hoặc giảm cân đột ngột; tức giận, cáu gắt, hiếu động, kích động, hoặc những cơn bộc phát cảm xúc; và nhiều dấu hiệu khác.

Rối loạn phát triển thần kinh (Neurodevelopmental disorders)

Rối loạn phát triển thần kinh là các rối loạn ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của não bộ và thay đổi quá trình phát triển thần kinh, dẫn đến khó khăn trong các chức năng xã hội, nhận thức và cảm xúc (Blain, 2024).

Rối loạn phát triển thần kinh
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một dạng của Rối loạn phát triển thần kinh (Neurodevelopmental disorders)

Nghiên cứu của May và cộng sự (2019) cho thấy chứng rối loạn này thường gặp ở nam giới hơn là nữ giới. Cũng theo May và cộng sự (2019), hai dạng rối loạn phát triển thần kinh thường gặp nhất là chứng rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý:

Rối loạn phổ tự kỷ (Autism spectrum disorder – ASD), hay rối loạn tự kỷ, là một rối loạn phát triển thần kinh đặc trưng bởi những khó khăn trong giao tiếp và tương tác xã hội, cũng như các hành vi bị hạn chế hoặc lặp đi lặp lại (Cherry, 2024). Sở dĩ ASD gọi là rối loạn phổ do có sự thay đổi khác biệt rõ rệt về loại triệu chứng mà mỗi cá nhân trải qua cũng như mức độ nghiêm trọng của chúng (NIMH, n.d.-c). Mặc dù ASD có thể khởi phát trong bất cứ độ tuổi nào, nó được phân loại là một chứng rối loạn phát triển bởi các triệu chứng thường xuất hiện trong 2 năm đầu đời (NIMH, n.d.-c). Theo Zeidan và cộng sự (2022), ước tính trên thế giới cứ 100 trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc ASD. Cherry (2024) chỉ ra, các triệu chứng của ASD bao gồm những khó khăn hoặc sự khác biệt về khả năng trí tuệ, ngôn ngữ, xã hội và vận động. Theo WHO (2023), người mắc ASD thường gặp phải nhiều tình trạng cùng lúc, bao gồm động kinh, trầm cảm, lo âu và rối loạn tăng động giảm chú ý, cùng với các hành vi khó khăn như khó ngủ và tự làm tổn thương bản thân.

Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorder – ADHD) là tình trạng rối loạn phổ biến, đặc trưng bởi những khó khăn liên quan đến sự suy giảm khả năng chú ý, tăng động và bốc đồng đến mức gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày (Christiansen, 2023). Theo Guy-Evans (2024b), cả người lớn và trẻ em đều có thể mắc chứng ADHD.

Chứng rối loạn này cũng để lại nhiều tác động tiêu cực lên cả hai nhóm đối tượng trên. Cụ thể, ADHD có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực tới sức khỏe tinh thần của trẻ em, điển hình như lo lắng (Schatz và Rostain, 2006), lòng tự tôn thấp (Mazzone và cộng sự , 2013) cũng như chất lượng cuộc sống suy giảm (Danckaerts và cộng sự, 2010). Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra những trẻ mắc ADHD có thành tích học tập và khả năng tương tác xã hội kém hơn so với các trẻ khác (de Boo và Prins, 2007; Hoza và Betsy, 2007; Ek và cộng sự, 2011). Theo Iavarone (2023), đối với người lớn, ADHD cũng gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời, ví dụ như lòng tự tôn thấp, trầm cảm, lo âu, gặp khó khăn trong các mối quan hệ, công việc không ổn định,…

Cá nhân có một vài đặc điểm của ADHD không đồng nghĩa với việc người đó mắc ADHD (Low, 2024). Ví dụ, một học sinh có biểu hiện không tập trung và làm việc riêng trong một tiết học không có nghĩa là học sinh đang mắc ADHD. Sự thiếu tập trung đó có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như thiếu hứng thú với bài học, mệt mỏi, hoặc môi trường học không phù hợp. Bởi vậy, cá nhân không thể chỉ dựa vào các biểu hiện trong một vài tình huống cụ thể để tự chẩn đoán ADHD, mà cần phải có sự đánh giá chuyên môn từ các chuyên gia (Gillette, 2023; Low, 2023).

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive disorder – OCD)

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một tình trạng Tâm lý đặc trưng bởi những ám ảnh và cưỡng chế gây ảnh hưởng tới các chức năng sinh hoạt hàng ngày (Kelly, 2023a). Đây là một chứng rối loạn tâm thần phổ biến, ảnh hưởng 1-3% dân số thế giới (Brock và cộng sự , 2024). Nghiên cứu của Fawcett và cộng sự (2020) cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc OCD cao hơn nam giới 1,6 lần.

Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive disorder – OCD)

Người mắc chứng OCD có thể có những suy nghĩ không mong muốn mà họ không thể kiểm soát được; trải qua cảm giác khó chịu tột độ, có thể bao gồm sợ hãi, ghê tởm, nghi ngờ (Nichols, 2024). Theo Kelly (2023a), các triệu chứng của OCD thường xuất hiện một cách từ từ, và có thể kéo dài nếu không được điều trị kịp thời. Người mắc chứng OCD có thể gặp phải những triệu chứng như ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai. Những ám ảnh này có thể khiến họ thực hiện những hành động nhất định nhiều lần lặp lại để giảm bớt sự lo âu mà những ám ảnh đó gây ra (các hành vi cưỡng chế) (Guy-Evans, 2024a).

Ví dụ, một người mắc OCD có thể luôn cảm thấy bị thôi thúc và phải liên tục đi kiểm tra để chắc chắn rằng mình đã khoá cửa. Hành động kiểm tra lặp lại này (hành vi cưỡng chế) được thực hiện không phải vì cần thiết mà chỉ để làm giảm mức độ lo âu và khó chịu mà những ám ảnh gây ra. Tuy nhiên, việc này tốn rất nhiều thời gian và năng lượng, làm gián đoạn các hoạt động khác trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Rối loạn nhân cách (Personality disorders)

Rối loạn nhân cách
Rối loạn nhân cách (Personality disorders)

Rối loạn nhân cách là một nhóm các rối loạn Tâm lý đặc trưng bởi những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi và tương tác khác sai biệt thấy rõ so với những kỳ vọng và chuẩn mực văn hoá (Carey, 2021; Pugle, 2024). Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (n.d.-d), những trải nghiệm và hành vi này thường khởi phát từ cuối tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành, và có thể gây ra sự lo âu hoặc những vấn đề trong khả năng sinh hoạt. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc rối loạn nhân cách trên toàn thế giới là 7,8% (Winsper và cộng sự, 2020). Rối loạn nhân cách có thể kéo dài suốt đời nếu không được kịp thời can thiệp và điều trị.

Theo Carey (2021), cá nhân mắc chứng rối loạn Tâm lý có thể gặp khó khăn trong giao tiếp và xử lý các vấn đề hàng ngày theo cách mà văn hoá của người đó kỳ vọng. Họ có thể không nhận thức được sự khác biệt giữa suy nghĩ, hành vi của mình với những gì xã hội chấp nhận. Họ có thể có cái nhìn về thế giới khác biệt so với người khác, khiến việc tham gia vào các hoạt động xã hội, học tập, và gia đình trở nên khó khăn. Những hành vi và thái độ này thường gây ra vấn đề và hạn chế trong các mối quan hệ, giao tiếp xã hội cũng như trong công việc học tập, đồng thời có thể khiến họ cảm thấy cô lập, dẫn đến trầm cảm, lo âu và các vấn đề sức khoẻ khác (Rush, 2024).

Sổ tay DSM-5 đã phân loại các chứng rối loạn nhân cách thành 3 nhóm dựa theo những đặc điểm chung nổi bật (APA, 2013):

  • Nhóm A: đặc trưng bởi những hành vi kỳ quái hoặc lập dị. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách nhóm A thường gặp nhiều khó khăn trong các mối quan hệ vì hành vi của họ có thể bị coi là kỳ quặc, nghi ngờ hoặc dị biệt (Salters-Pedneault, 2023). Những rối loạn nhân cách nhóm A bao gồm:
    • Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid personality disorder): Người mắc rối loạn này thường rất đa nghi và không tin tưởng người khác, luôn cảm thấy bản thân bị đe dọa hoặc phản bội, ngay cả khi không có lý do rõ ràng (Carey, 2021).
    • Rối loạn nhân cách phân liệt (Schizoid personality disorder): Người mắc rối loạn này thường ít quan tâm đến việc xây dựng các mối quan hệ cá nhân hoặc tham gia vào các tương tác xã hội. Họ có thể gặp khó khăn trong việc hiểu các tín hiệu xã hội, khiến họ có vẻ xa cách về mặt cảm xúc (Carey, 2021).
    • Rối loạn nhân cách thể phân liệt (Schizotypal personality disorder): Người mắc rối loạn này thường thu mình và không thoải mái với cả những mối quan hệ gần gũi, có những hành vi được coi là lập dị, kèm với cách nói chuyện bất thường. Họ có thể có những niềm tin kỳ lạ hoặc mê tín. Ví dụ, cá nhân có thể tin rằng bản thân họ có thể đọc được những suy nghĩ của người khác (Sissons, 2023).
  • Nhóm B: đặc trưng bởi hành vi kịch tính hoặc bất định. Những người mắc rối loạn nhân cách trong nhóm này thường có cảm xúc rất mãnh liệt hoặc tham gia vào các hành vi bốc đồng, kịch tính, buông thả, thậm chí là vi phạm pháp luật (Salters-Pedneault, 2023). Cũng theo Salters-Pedneault (2023), những rối loạn nhân cách nhóm B bao gồm:
    • Rối loạn nhân cách chống đối xã hội (Antisocial personality disorder): thường xuất hiện từ thời thơ ấu, khác với hầu hết các rối loạn nhân cách khác (thường không bộc lộ rõ ràng cho đến tuổi thiếu niên hoặc trưởng thành). Triệu chứng thường gặp bao gồm sự coi thường các quy tắc và chuẩn mực xã hội, cũng như thiếu hối hận đối với hành động gây hại cho người khác.
    • Rối loạn nhân cách ranh giới/ bất định (Borderline personality disorder): đặc trưng bởi sự bất ổn trong các mối quan hệ xã hội, cảm xúc, hình ảnh bản thân và hành vi bốc đồng.
    • Rối loạn nhân cách kịch tính (Histrionic personality disorder): Người mắc rối loạn này có xu hướng thể hiện cảm xúc thái quá và tìm kiếm sự chú ý, thường dẫn đến hành vi không phù hợp trong xã hội để thu hút sự quan tâm từ người khác.
    • Rối loạn nhân cách ái kỷ (Narcissistic personality disorder): Đặc trưng bởi sự tập trung vào bản thân, hình ảnh tự cao và thiếu đồng cảm với người khác. Rối loạn này thường liên quan đến một cảm giác yếu đuối tiềm ẩn về bản thân, khiến người bệnh có nhu cầu khẳng định sự đặc biệt và quan trọng của mình.
  • Nhóm C: đặc trưng bởi sự lo âu và sợ hãi tột độ (Osborn, 2018). Những người mắc rối loạn nhân cách trong nhóm này thường trải qua lo âu hoặc sợ hãi lan tỏa, gây ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ (Salters-Pedneault, 2023). Những rối loạn nhân cách nhóm C bao gồm:
    • Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant personality disorder): Người mắc rối loạn này có niềm tin sâu sắc rằng họ không xứng đáng hoặc thua kém và tin rằng người khác cũng nghĩ như vậy. Điều này gây ra nỗi sợ hãi mạnh mẽ về việc bị đánh giá tiêu cực bởi người khác, mặc dù họ có thể khao khát kết nối với mọi người (Sherrell, 2023).
    • Rối loạn nhân cách phụ thuộc (Dependent personality disorder): Người mắc rối loạn này có xu hướng phụ thuộc quá mức vào người khác để đáp ứng nhu cầu về cả thể chất và cảm xúc. Điều này thường xuất phát từ việc họ không tin tưởng vào khả năng của bản thân trong việc đưa ra quyết định đúng đắn (Sherrell, 2023).
    • Rối loạn nhân cách ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-Compulsive Personality Disorder): Người mắc rối loạn này quá chú trọng vào việc duy trì trật tự và kiểm soát. Họ có xu hướng cứng nhắc trong việc tổ chức công việc và cuộc sống, và đôi khi quá khắt khe về các quy tắc và chi tiết. Mặc dù họ có một số hành vi tương tự như những người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), nhưng họ không trải qua những suy nghĩ không mong muốn, điều thường thấy ở những người mắc OCD. Thay vào đó, họ cảm thấy hành vi của mình là cần thiết và hợp lý để duy trì trật tự và hiệu quả (Sherrell, 2023).

Nguyên nhân gây ra rối loạn Tâm lý

Theo Morin (2023), không thể xác định cụ thể một nguyên nhân đơn lẻ nào gây ra rối loạn Tâm lý. Thay vào đó, rối loạn Tâm lý thường được hình thành bởi nhiều tác nhân khác nhau (đôi khi là sự kết hợp giữa các tác nhân). Nghiên cứu của Uher và Zwicker (2017) cho thấy, một số các tác nhân có thể gây ra các rối loạn Tâm lý bao gồm:

  1. Yếu tố sinh học: Sự thay đổi và mất cân bằng trong các chất dẫn truyền thần kinh, những chất hóa học trong não, thường liên quan đến các rối loạn Tâm lý.
  2. Yếu tố môi trường: Trẻ em tiếp xúc với một số chất trong tử cung có thể có nguy cơ cao mắc các rối loạn Tâm lý. Ví dụ, nếu một người mẹ uống rượu, sử dụng ma túy hoặc tiếp xúc với các hóa chất độc hại khi mang thai, thì con của người đó có nguy cơ mắc rối loạn Tâm lý cao hơn.
  3. Yếu tố di truyền: Nhiều chứng rối loạn Tâm lý có xu hướng di truyền trong gia đình. Những người có người thân mắc bệnh tâm thần—như tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm, hay tâm thần phân liệt—có thể có nguy cơ cao phát triển bệnh tương tự.
  4. Trải nghiệm sống: Những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống mà cá nhân trải qua có thể góp phần vào sự phát triển của các rối loạn Tâm lý. Ví dụ, những dư chấn sau khi một người vừa trải qua tai nạn nghiêm trọng có thể là nguyên nhân góp phần hình thành nên sự phát triển của chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương (PTSD).

Các phương pháp điều trị

Một số các phương pháp điều trị các rối loạn Tâm lý bao gồm:

  • Tâm lý trị liệu (Psychotherapy): Có nhiều phương pháp Tâm lý trị liệu khác nhau có thể hiệu quả trong việc điều trị các loại rối loạn tâm thần. Trò chuyện với nhà trị liệu Tâm lý có thể giúp người bệnh nắm được các yếu tố có thể ảnh hưởng đến bệnh của họ, giúp họ xây dựng những kỹ năng đối phó với những khó khăn do bệnh tật gây ra cũng như quản lý các triệu chứng của bệnh. Tâm lý trị liệu có thể diễn ra trong một buổi gặp gỡ trực tiếp 1-1 với nhà trị liệu hoặc diễn ra dưới hình thức trị liệu nhóm (nhóm các thân chủ (bệnh nhân) cùng có một hoặc nhiều vấn đề tương tự nhau).
  • Thuốc: Một số chứng rối loạn có thể đáp ứng tốt với thuốc, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm lo âu và thuốc chống loạn thần. Các loại thuốc này hoạt động theo những nguyên lý khác nhau, điểm chung là chúng thường giúp tạo ra sự thay đổi trong não bộ, từ đó giảm nhẹ triệu chứng. Những loại thuốc này có thể tiềm ẩn các tác dụng phụ và nên người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ (Cherry, 2022).
  • Liệu pháp kích thích não bộ: Không phải tất cả các rối loạn đều cải thiện khi dùng thuốc. Trong trường hợp đó, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thử các liệu pháp kích thích não bộ. Các liệu pháp này thay đổi cách mà các tế bào thần kinh và các tế bào khác trong não xử lý hóa chất và phản ứng với các kích thích (Cleveland Clinic, 2024).
  • Các liệu pháp khác: Một số bệnh tâm thần, trầm cảm, có thể được cải thiện với các liệu pháp khác, điển hình như các biện pháp sử dụng thảo dược, xoa bóp, châm cứu, yoga và thiền. Cá nhân nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ biện pháp thảo dược hay thực phẩm chức năng nào, vì chúng có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác mà họ đang sử dụng (Cleveland Clinic, 2024).

Theo Morin (2023), các kế hoạch điều trị thường là sự tích hợp giữa các phương pháp điều trị và cần quá trình thử nghiệm và đánh giá sai sót (trial and error) trước khi tìm ra phương pháp phù hợp nhất với cá nhân.

rối loạn tâm lý
Rối loạn Tâm lý cần sự trợ giúp đến từ các chuyên gia

Tài liệu tham khảo

American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). doi.org/10.1176/appi.books.9780890425596

American Psychiatric Association. (n.d.-a). What are Anxiety Disorders?

American Psychiatric Association. (n.d.-b). What Are Bipolar Disorders?

American Psychiatric Association. (n.d.-c). What are Eating Disorders?

American Psychiatric Association. (n.d.-d). What are Personality Disorders?